Thica.net

Mạng thi ca Việt Nam

Trang thơ Bích Khê

Bích KhêBích Khê tên thật là Lê Quang Lương, sinh ngày 24.3.1916 tại quê ngoại ở xã Phước Lộc, nay là xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, lớn lên và sống chủ yếu tại quê nội ở thị trấn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, xuất thân từ một gia đình Nho học có truyền thống yêu nước. Ông nội nhà thơ là cụ Lê Trọng Khanh giữ chức Viên ngoại lang Viện cơ mật triều Nguyễn. Bất bình vì triều đình đầu hàng Pháp, cụ cáo quan về nhà, sau đó đã tuẫn tiết tại quê nhà khi bị ép ra làm quan trở lại. Các thế hệ tiếp theo trong gia đình đều có người tham gia các phong trào yêu nước, như cụ thân sinh Lê Quang Dục, chị ruột Lê Thị Ngọc Sương. Các anh chị của Bích Khê đều là những người yêu thơ, hay làm thơ, trong đó người anh cả Lê Quang Thuần có nhiều bài thơ được đăng báo, và đã để lại một tập thơ nhan đề Tùng khê thi tập.

Thuở nhỏ, Bích Khê học tiểu học ở Phước Lộc và Đồng Hới, đỗ đầu kì thi tiểu học Pháp – Việt tại Đồng Hới năm 1929 rồi theo học bậc trung học ở trường dòng Pellerin tại Huế. Sau đó, ông ra Hà Nội học ban tú tài, nhưng thôi học sau một năm.

Năm 1934 Bích Khê cùng người bạn mở một trường tư thục đặt tên là Hồng Đức tại Phan Thiết. Cuối năm đó, người chị Lê Thị Ngọc Sương tham gia việc quản trị nhà trường do các hoạt động đấu tranh bị mật thám Pháp bắt giam ở Quảng Ngãi. Bích Khê bỏ trường ra đi, lên sống trong các ngôi chùa tại Phan Thiết.

Cuối năm 1935, ông về Thu Xà sống với mẹ được một thời gian thì mắc bệnh lao phổi, phải nằm điều trị tại bệnh viện lao P. Pasquier ở Huế. Năm 1937, bệnh thuyên giảm, ông trở về quê, sống lãng du khi thì ở trong chùa trên các núi Thiên Ấn, Phú Thọ, khi thì trú trong một túp lều trên bãi biển, khi thì lênh đênh trên thuyền trôi nổi trên các khúc sông Trà Khúc.

Năm 1938, ông lại vào Phan Thiết dạy học ở trường Quảng Thuận. Thời gian này, Bích Khê đã dồn sức để hoàn thành tập thơ đầu của mình, Tinh huyết, ra đời năm 1939. Cuối năm 1939, trường Quảng Thuận bị Pháp đóng cửa. Năm 1941 ông được trường Phú Xuân ở Huế mời ra dạy. Nhưng chỉ được bảy tháng, sức khỏe giảm sút, ông thôi dạy trở về ở tại quê nhà cho đến khi qua đời vào ngày 17.1.1946, lúc mới tròn 30 tuổi.

Trước khi đến với Thơ mới, một thời gian dài (1931-1936), Bích Khê đã viết ca trù, thơ Đường luật, và đăng trên các báo Tiếng Dân, Tiểu thuyết thứ Năm, Người mới… Sau 1937, ông chuyển hẳn sang làm thơ mới do sự tác động của Hàn Mặc Tử.

Ngoài bút hiệu Bích Khê, ông còn kí bút hiệu Lê Mộng Thu khi sáng tác thơ Đường luật.

Các sáng tác của Bích Khê gồm:

  • Tinh huyết (1939): tác phẩm duy nhất ra đời khi ông còn sống và rất được người yêu thơ chú ý.
  • Bốn tập thơ và một tập tự truyện chưa xuất bản, gồm:

  • Tinh hoa (sáng tác từ 1938 đến 1944)
  • Mấy dòng thơ cũ (tập hợp khoảng 100 bài thơ đường luật đã đăng trên các báo từ 1931-1936)

    • Làng em


      […]

      Anh có khi nào còn trở lại
      Chờ lúc hoàng hôn trăng đã lên
      Tìm ngõ nhà em anh sẽ thấy
      Khóm lan thơm nặng khí ưu phiền

      Là lúc đêm về trên mái ngói
      Những nhành nhãn muộn cánh dơi lay
      Em đang nổi bệnh trong phòng vắng
      Tình đậm theo trăng sáng sáng đầy…

    • Nghê thường


      Ô trời hôm nay sao mà xanh!
      Ngọc trăng xây vàng trên muôn cành
      Nhung mây tê ngời sao kim cương
      Dạ lan tê ngời say men hương

      Lầu ai ánh gì như lưu ly?
      Nụ cười ai trắng như hoa lê?
      Thủy tinh ai để lòng gương hồ?
      Không gian xà cừ hay san hô?

      […]

    • Nhạc


      […]

      Ồ côi lầu mây ánh gì kim cương,
      Áo nàng thơ ngây nao nao nghê thường.
      Thơ bay! thơ bay vô bàn tay ngà,
      Thơ ngà ngà say! thơ ngà ngà say!

      Nàng ơi! đừng động… có nhạc trong giây,
      Nhạc gây hoa mộng, nhạc ngát trong mây;
      Nhạc lên cung hường, nhạc vô đào động,
      Ô nàng tiên nương! hớp nhạc đầy hương.

    • Tì bà


      […]

      Yêu nàng bao nhiêu trong lòng tôi
      Yêu nàng bao nhiêu trên đôi môi
      Đâu tìm Đào Nguyên cho xa xôi
      Đào Nguyên trong lòng nàng đây thôi

      Thu ôm muôn hồn chơi phiêu diêu
      Sao tôi không màng kêu: em yêu
      Trăng nay không nàng như trăng thiu
      Đêm nay không nàng như đêm hiu

      Buồn lưu cây đào tìm hơi xuân
      Buồn sang cây tùng thăm đông quân
      Ô hay! Buồn vương cây ngô đồng
      Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông