Thica.net

Mạng thi ca Việt Nam

Trang thơ Bùi Minh Quốc

Bùi Minh Quốc

Bùi Minh Quốc sinh ngày 3 tháng 10 năm 1940, là một nhà thơ, nhà báo, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, từng là Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ, Tổng Biên tập Tạp chí Ðất Quảng tại Quảng Nam – Ðà Nẵng, người sáng lập và là Chủ tịch đầu tiên của Hội Văn nghệ tỉnh Lâm Ðồng.

Quê ở Mỹ Đức (Hà Tây), 11 tuổi ông theo gia đình lên sống tại Hà Nội. Sau khi học đại hoc, năm 1963 ông về làm công tác cho Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ông quen và yêu nhà văn – nhà báo Dương Thị Xuân Quý từ năm 1961, và làm đám cưới năm 1966. Năm 1967, Bùi Minh Quốc xung phong vào chiến trường miền Nam, công tác tại Ban Văn nghệ Khu V, nổi tiếng với tập thơ Mảnh đất nuôi ta thành dũng sĩ, với bút danh Dương Hương Ly đặt theo tên con gái đầu lòng. Năm 1968, bà Xuân Quý cũng lên đường vào chiến trường miền Nam. Hai vợ chồng cùng công tác tại một tờ báo tuyên truyền được đặt trên núi, họ gom góp lại một số bài thơ và truyện ngắn của mình đã được đăng rải rác trên các báo hay các tuyển tập, đem in thành một tuyển tập riêng của hai người, và đặt tên là Chỗ đứng (NXB Hội Nhà Văn, 1968). Ngày 8 tháng 3 năm 1969, Dương Thị Xuân Quý hy sinh trên đường đi công tác xuống Quảng Đà, trong một trận càn ở Duy Xuyên, khi tuổi đời mới vừa 28. Năm 2006, 37 năm sau ngày bà hy sinh, ông mới tìm được mộ vợ mình.

Sau năm 1975, Bùi Minh Quốc ở Đà Nẵng, làm Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, Tổng biên tập Tạp chí Ðất Quảng.

Mùa thu năm 1985 Bùi Minh Quốc vào thăm Đà Lạt, được đưa lên gặp Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, và được ông này đề nghị về giúp lập Hội Văn nghệ Lâm Đồng. Trong kỳ đại hội thành lập Hội, ông được bầu vào chức vụ Chủ tịch.

Tại Đà Lạt, ông cùng đồng nghiệp thành lập tờ báo Lang Biang. Tờ báo này sau đó bị đóng cửa, phải ngưng xuất bản chỉ sau ba số báo. Năm 1988 Bùi Minh Quốc cùng với nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự, nhà thơ Hữu Loan và một số văn nghệ sĩ khác hình thành Đoàn Lang Biang thực hiện một chuyến đi từ Nam ra Bắc vận động các văn nghệ sĩ ủng hộ kiến nghị đòi tự do báo chí và xuất bản, yêu cầu thực hiện dân chủ và đổi mới và đòi cách chức một số quan văn nghệ, gây được tiếng vang lớn trong toàn quốc. Sau chuyến đi này, Bùi Minh Quốc và Tiêu Dao Bảo Cự bị lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng kiểm điểm và khai trừ khỏi đảng Cộng sản Việt Nam, còn nhà thơ Hữu Loan bị quản thúc trên đất Bắc.

Bùi Minh Quốc làm thơ rất nhiều. Những bài thơ do ông sáng tác thời chiến tranh đã là một dấu ấn rất lớn cho một thời kỳ quê hương máu lửa. Bùi Minh Quốc sống và viết, lúc nào cũng hừng hực ngọn lửa nhiệt thành. Thơ ông thường viết về người mẹ già Việt Nam nhiều năm cuốc đất đào hầm nuôi giấu cán bộ, như các bài Đất quê ta mênh mông, Mẹ ngẩn ngơ đi, Mẹ đi chọn mặt gửi vàng, Không, mẹ ơi, Một thoáng phố phường. Sau năm 1975, Bùi Minh Quốc có nhiều bài thơ mang tư tưởng phê phán, điển hình như bài Cay đắng thay, được tướng Trần Độ trích dẫn trong tác phẩm Nhật kí rồng rắn. Tập thơ gần đây nhất của ông mang tên Thơ vụt hiện trong phòng thẩm vấn, gồm những bài thơ được sáng tác trong hai năm 1995 và 1997. Tập thơ thể hiện sự uất ức trước những o ép, trấn áp của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với bản thân ông và những tiếng nói dân chủ khác tại Việt Nam, đồng thời phản ánh tình trạng tụt hậu của đất nước và nói lên khát vọng tự do.

Năm 2007, khi Trung Quốc lập thành phố Tam Sa nhằm trực tiếp quản lý các quần đảo trên biển Đông, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, Bùi Minh Quốc và một số trí thức văn nghệ sĩ Việt Nam đã lên tiếng phản đối. Với tư cách là hội viên, ông đã gửi một lá thư ngỏ cho Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cùng toàn thể các đồng nghiệp trong Hội, mong muốn Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam sớm có tuyên bố chính thức về vụ việc này, đồng thời cho xuất bản ngay cuốn sách về Hoàng Sa, Trường Sa đã được soạn thảo, để người dân trong nước có thể nắm vững thông tin. Lá thư này cũng được gửi cho báo chí trong nước, nhưng đến nay không có báo nào đăng.


  • Bên cột mốc


    […]

    Tiếng xe ngựa qua cầu Kỳ Lừa
    Lóc cóc dưới chiều mưa
    Tấm bạt rách trên mui gió lật
    Che mái đầu mấy người đàn bà
    Nói những chuyện cuốc cày mua bán
    Em bé Nùng ngồi trong quang mẹ gánh đi sơ tán
    Như chính tôi thuở nào
    Mắt em nhìn thăm thẳm làm sao!

    Thăm thẳm một đời bao thứ giặc
    Chưa giặc nào như giặc này
    Quân ăn cướp quân phản trắc
    Đã từng vào nhà ta
    Như một người bạn thân một người đồng chí
    Thăm hỏi vợ ta
    Bồng bế con ta
    Siết tay ta rất chặt
    Cùng nhau ngồi ở góc phòng kia
    Quanh bộ bàn ghế trúc
    Bữa ăn tươi có nem rán bún bò
    Bánh bao nhân thập cẩm…

    […]

  • Mẹ đâu ngờ


    […]

    Mẹ đâu ngờ
    Mẹ đâu ngờ
    Sau lưng mình từ máu đẫm trồi lên
    Trồi lên
    Chiếc ghế
    Có thằng con thoát chết vụ khui hầm
    Trở về ngồi chễm chệ

    Cái mặt nó bây giờ mới đạo mạo làm sao
    Nói năng đứng ngồi quan trọng
    Thâm tâm chỉ nghiền ngẫm cách nào
    Êm nhất
    Lẹ nhất
    Cho mỗi ngày chiếc ghế thêm cao

    […]

  • Lại ngẫm về hạnh phúc


    […]

    Ngọn lửa thơ anh thắp giữa miền băng giá
    Chỉ mắt em nhìn cho biển lặng trời yên

    […]

    Hạnh phúc là gì, giữa cảnh đọa đày anh vụt hiểu
    Khi soi trong mắt em, trong mắt em hiền dịu
    Hạnh phúc là thanh thản lương tâm
    Hạnh phúc là thanh thản lương tâm
    Hạnh phúc là thanh thản lương tâm.

  • Đao phủ ngồi thiền


    Ðao phủ giọng thật mềm:
    Chuyện đã qua rồi, thôi cho qua mãi mãi
    Xới lại làm chi những điều oan trái
    Người chết cũng chết rồi, hãy để họ nằm yên
    Mắt lim dim, đao phủ ngồi thiền…

    1995

  • Thơ dâng


    […]

    Tôi vây giữa ngàn thông ngàn hoa
    Gốc thông nào cũng khắc
    Hoàng Sa
    Trường Sa
    Cánh hoa nào cũng nhắc
    Hoàng Sa
    Trường Sa

    Kìa vụt hiện ngọc ngà
    Người mẫu
    Em lớn từ lệ máu
    Hoàng Sa
    Trường Sa

    […]

  • Mẹ ngẩn ngơ đi…


    Những đứa con xưa mẹ nuôi giấu dưới hầm
    Nay đua nhau xây nhà bạc tỉ
    Và tuyên bố xanh rờn:
    gia tài xin của mẹ

    Mẹ ngẩn ngơ đi đầu trời cuối bể:
    – Có ai tầm chiếc cuốc mòn?
    – Có ai tầm chiếc cuốc mòn?
    – Có ai?
    Có ai?
    Này chiếc cuốc mòn
    Ta đổi ngàn vàng che mặt cho con.

  • Không, mẹ ơi


    […]

    Duy một điều không thể nào quen
    Không thể nào quen nhìn lưng còng của mẹ
    Dẫu con biết nghìn năm mẹ đã còng như thế
    Còng đến đáy ruộng đồng
    Còng mất con mất cháu mất chồng
    Để vẫn hoàn còng đứng ngồi rón rén
    Mắt mờ đục miệng phào móm mém
    “Nhờ ơn trên, nhớ ơn trên…”

    […]