Thica.net

Mạng thi ca Việt Nam

Trang thơ Hoàng Trung Thông

Hoàng Trung Thông

Hoàng Trung Thông sinh ngày 05 tháng 05 năm 1925 tại xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, Việt Nam. Ông còn có những bút danh khác như Đặc Công, Bút Châm.

Thuở nhỏ ông theo học chữ Hán và được coi như một thần đồng nổi tiếng khắp vùng. Đến năm 12 tuổi, ông theo học trường Quốc học Vinh. Ông giỏi 3 ngoại ngữ: Tiếng Trung, Tiếng Pháp, Tiếng Anh và đã dịch rất nhiều tác phẩm thơ cũng như văn xuôi nổi tiếng trên thế giới.
Ngoài làm thơ ông còn là nhà nghiên cứu lí luận phê bình, nhà thư pháp.

Hoàng Trung Thông tham gia cách mạng từ trước 1945 trong phong trào Việt Minh. Trong Kháng chiến chống Pháp, ông cùng Hải Triều, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên lãnh đạo Hội văn Nghệ khu IV. Ông từng là tỉnh ủy viên tỉnh ủy Nghệ An, ủy viên Tiểu ban Văn nghệ Trung ương thư ký tòa soạn tạp chí Văn nghệ thuộc Hội Văn nghệ Việt Nam, tổng biên tập báo Văn nghệ, báo Tác phẩm mới của Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc Nhà xuất bản Văn học, vụ trưởng Vụ Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương, viện trưởng Viện Văn học (1976-1985).

Hoàng Trung Thông mất ngày 04 tháng 01 năm 1993 do bệnh phổi và gan tại Hà Nội. Tên ông đã được đặt cho một con đường ở thành phố Vinh, Nghệ An.

Những tác phẩm chính:

Tiểu luận phê bình:

  • Chặng đường mới của văn học chúng ta (1961)
  • Cuộc sống thơ và thơ cuộc sống (1979)
  • Những người thân những người bạn (2008)
  • Thơ:

  • Quê hương chiến đấu (1955)
  • Đường chúng ta đi (1960)
  • Những cánh buồm (1964)
  • Đầu sóng (1968)
  • Trong gió lửa (1971)
  • Như đi trong mơ (1977)
  • Hương mùa thơ (1984)
  • Tiếng thơ không dứt (1989)
  • Mời trăng (1992)

    • Những cánh buồm


      […]

      Cha dắt con đi dưới ánh mai hồng
      Nghe con bước, lòng vui phơi phới.
      Con bỗng lắc tay cha khẽ hỏi:
      “Cha ơi, sao xa kia chỉ thấy nước thấy trời,
      Không thấy nhà, không thấy cây, không thấy người ở đó?”
      Cha mỉm cười xoa đầu con nhỏ:
      “Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa,
      Sẽ có cây, có cửa, có nhà
      Vẫn là đất nước của ta
      Những nơi đó cha chưa hề đi đến.”

      […]