Thica.net

Mạng thi ca Việt Nam

Trang thơ Lý Đông A

Lý Đông A là một nhà triết học, học giả và nhà cách mạng, chính trị gia Việt Nam, là tác giả Việt sử thông luận. Ông tên thật là Nguyễn Hữu Thanh, sinh ngày 3 tháng 1 năm 1921 (có tài liệu ghi 1920) tại làng Yên Ðổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông tốt nghiệp sơ học yếu lược Pháp và học chữ Nho với các thầy đồ, nhà sư có học trong vùng như cụ đồ Đạo, sư cụ Phạm Văn Tâm. Cha ông là ông Nguyễn Chi Phương.

Trong giai đoạn 1936, Nguyễn Hữu Thanh, khi đó 15 tuổi, là người phục vụ cho Phan Bội Châu khi ông bị chính quyền thực dân Pháp quản thúc ở Huế. Chính đồng tử Lý Ðông A đã đặt cho cụ Phan nhiều câu hỏi sâu sắc và được cụ Phan ghi lại trong phần Triết luận trong bộ Phan Bội Châu Toàn Tập, do giáo Sư Chương Thâu sưu tầm, nhà xuất bản Thuận Hoá ấn hành năm 1990.

Sau này, ông vào tu ở chùa Yên Tử, bắt đầu xây dựng học thuyết Duy dân và lấy tên hiệu là Lý Đông A, với ý nghĩa biểu tượng thời đại phục hưng dân tộc như thời triều Lý, triều Trần (Đông A là chiết tự của chữ Trần). Ông tiếp xúc thường xuyên với các nhà cách mạng trong tổ chức Việt Nam Quang phục hội của Phan Bội Châu.

Năm 1940, Lý Đông A làm ủy viên chính trị cho Phục quốc quân, cánh quân sự của Việt Nam Quang phục Hội. Ông cùng với Ðoàn Kiểm Ðiểm và Trần Trung Lập chỉ đạo cuộc khởi nghĩa ở Lạng Sơn. Khởi nghĩa thất bại, Lý Đông A chạy thoát sang Trung Quốc. Ở Trung Quốc, Lý Ðông A tiếp tục liên lạc với nhà cách mạng Việt Nam thuộc nhiều phe phái, nhiều quan điểm chính trị khác nhau, bao gồm Nguyễn Hải Thần, Hoàng Văn Hoan, Nguyễn Tường Tam, Hồ Chí Minh.

Năm 1942 ông bắt đầu viết Ðại Việt duy dân quốc sách thảo án toàn pho.

Ngày 1 tháng 1 năm 1943, Lý Ðông A thành lập và làm tổng thư ký Đại Việt Duy dân Cách mệnh Đảng đấu tranh chống Pháp, xây dựng Hòa Bình thành căn cứ, tích cực xây dựng lực lượng vũ trang bằng cách đưa thành viên từ miền xuôi lên, tập hợp thành viên ở địa phương, thành lập được một số đơn vị, mở lớp huấn luyện quân sự.

Giữa năm 1946, Đại Việt Duy dân bị chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Việt Minh lãnh đạo tấn công mạnh tại Hà Nội và các tỉnh ở đồng bằng. Sau khi căn cứ Hòa Bình thất thủ, Lý Đông A biệt tích. Có tài liệu cho rằng ông đã chết trong trận chiến tại Bến Chương thuộc xã Hiền Lương – Mai Đà. Khi ấy ông mới 25 tuổi.

Lý Ðông A coi con người là căn bản trong triết lý Chủ nghĩa Duy dân của ông. Theo đó, ba thành phần biện chứng tạo nên quan điểm thống nhất, đại đồng, chân xác về con người là vũ trụ (duy nhiên, vô nguyên), nhân loại (duy nhân, nhất nguyên) và dân tộc (duy dân, đa nguyên tương đối).
Tác phẩm Việt sử thông luận của ông giải thích lịch sử Việt Nam theo cái nhìn dịch học, và nhân chủng học.

Trong thời gian chiến tranh 54-75, các tác phẩm của Lý Ðông A đều bị cấm lưu hành tại cả hai miền Nam Bắc. Riêng tại miền Nam, một số tác phẩm của ông được phép của Bộ thông tin cho in lại, nhà xuất bản Gió đáy phát hành từ năm 1969 dưới thời Đệ nhị Cộng hoà, bao gồm:

  • Huyết hoa (Tâm sự cách mạng)
  • Ðạo trường ngâm (Thơ yêu nước)
  • Chu tri lục (90 điều phải biết để thực hiện cuộc cách mạng dân tộc)
  • Duy nhân cương thường (gồm Cơ năng hiến pháp) (Phương pháp và nguyên tắc tổ chức xã hội và đất nước để phục vụ con người)
  • Thiết giáo (Phương pháp và nguyên tắc tổ chức một nền giáo dục để xây dựng và phục vụ con người)
  • Chìa khóa thắng nghĩa (Căn bản lý luận về nền triết học nhân chủ)
  • Việt sử thông luận (Xác định những vấn đề căn bản về lịch sử dân tộc để vạch hướng đi cho đất nước).

    • Chính khí Việt


      […]

      Nước Mê Linh trăng thu còn vằng vặc,
      Sông Bạch Ðằng sóng vỗ thuyền cắc cắc.
      Non Chi Lăng gió cuốn rừng cung đao,
      Ðồng Ðống Ða xương người phơi man mác.

      Buổi Sát Thát chàm vai thề đầu mất,
      Ngày Bình Ngô nổi cờ không khuất tất,
      Khi Cần Vương nhổ mặt lũ gian hùng,
      Lúc Cứu Quốc vòng bôn lao uất uất.

      […]

      Chính khí Việt suốt đất trời bàng bạc,
      Chính khí Việt trong máu người Hồng Lạc.
      Gió thê thê quất dậy hồn phục hưng
      Gươm Vạn Thắng cứu nước nòi giết giặc.

      Chính khí Việt là hồn gươm Vạn Thắng,
      Sắt tôi với máu đào hun lửa nóng,
      Và Ðại Việt muôn năm! Cả toàn dân
      Vượt đau nhục lên sống còn hùng tráng.