Thica.net

Mạng thi ca Việt Nam

Trang thơ Nguyễn Khoa Điềm

Nguyễn Khoa Điềm

Nguyễn Khoa Điềm sinh tại thôn Ưu Điềm, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế, quê ở làng An Cựu, xã Thủy An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Thân sinh của ông là nhà báo Hải Triều Nguyễn Khoa Văn (Nguyễn Khoa Hải Triều), thuộc dòng dõi quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng, gốc An Dương (tỉnh Hải Dương cũ, nay thuộc Hải Phòng).

Lúc nhỏ Nguyễn Khoa Điềm học ở quê. Năm 1955 ông ra miền Bắc học tại trường học sinh miền Nam. Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964, cùng một lứa với Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân. Sau khi tốt nghiệp ông vào miền Nam hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên Huế; tham gia quân đội, xây dựng cơ sở của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, viết báo, làm thơ… cho đến năm 1975. Nguyễn Khoa Điềm từng bị giam tại nhà lao Thừa Phủ. Đến chiến dịch Mậu Thân 1968, ông được giải thoát, tiếp tục trở lại hoạt động. Vào thời điểm này, Nguyễn Khoa Điềm mới bắt đầu làm thơ.

Nguyễn Khoa Điềm trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1975. Sau giải phóng ông tham gia công tác Đoàn Thanh niên Cộng sản; Chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Thừa Thiên – Huế. Ông có trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 3. Năm 1994 Nguyễn Khoa Điềm ra Hà Nội, làm thứ trưởng Bộ Văn hoá – Thông tin. Năm 1995, ông được bầu làm Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa V.

Năm 1996, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 8, Nguyễn Khoa Điềm bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Ông là đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khoá X và từ tháng 11 năm 1996 là Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin. Năm 2001, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IX, Nguyễn Khoa Điềm trở thành ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (2001-2006). Hiện nay, ông nghỉ hưu và sống tại Thành phố Huế.

Tác phẩm chính:

  • Cửa thép (1972)
  • Đất ngoại ô (1973)
  • Mặt đường khát vọng (1974)
  • Ngôi nhà có ngọn lửa ấm (1986)
  • Thơ Nguyễn Khoa Điềm (1990)
  • Giải thưởng:

  • Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tập thơ Ngôi nhà có ngọn lửa ấm.
  • Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô (giải B) với tập thơ Cõi lặng – năm 2010.

    • Đất nước những tháng năm thật buồn


      Đất nước những tháng năm thật buồn
      Nửa đêm ngồi dậy hút thuốc vặt
      Lần mò trên trang mạng tìm một tin lành
      Như kẻ khát nước qua sa mạc
      Chung quanh yên ắng cả
      Ngoài đường nhựa vắng tiếng xe lại qua
      Người giàu, người nghèo đều ngủ
      Cả bầy ve vừa lột xác
      Sao mình thức?
      Sao mình mải mê đeo đuổi một ngày mai tốt lành?

      […]

    • Con gà đất, cây kèn và khẩu súng


      […]

      Một mùa xuân tiếng đại bác rầm rầm
      Bản hành khúc những binh đoàn giải phóng
      Vút từng không tiếng gió phất cờ sao
      Ôi ngày hội của những người đứng lên đòi được sống
      Những âm thanh ngàn sóng đại dương trào…
      Người thổi kèn nhận phần mình khẩu súng
      Như nhận một chỗ ngồi dưới tay nhạc trưởng
      Chợt hiểu rằng, đây khao khát thẳn sâu
      Mẹ đã hẹn một lần và anh đợi từ lâu
      Anh đã đi từ
      Con gà đất cây kèn và khẩu súng
      Để nhận lấy tình yêu của thuở ban đầu

    • Miền quê


      Lại về mảnh trăng đầu tháng
      Mông lung mặt đồng bóng chiều
      Tiếng ếch vùi trong cỏ ấm
      Lúa mềm như vai thân yêu

      Mùa xuân, là mùa xuân đấy
      Thả chim, cỏ nội, hương đồng
      Đàn trâu bụng tròn qua ngõ
      Gõ sừng lên mảnh trăng cong

      […]

    • Mẹ và quả


      Những mùa quả mẹ tôi hái được
      Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng
      Những mùa quả mọc rồi lại lặn
      Như mặt trời khi như mặt trăng

      Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
      Còn những bí và bầu thì lớn xuống
      Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
      Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi

      […]

    • Đất nước (trích đoạn)


      […]

      Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
      Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
      Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
      Chín mươi chín con voi góp mình dựng Đất tổ Hùng Vương
      Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
      Người học trò nghèo giúp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên.
      Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
      Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm
      Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
      Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
      Ôi Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy
      Những cuộc đời đã hóa núi sông ta…

      […]

    • Đất ngoại ô


      […]

      Chúng tôi đi. Từ cửa ngoại ô này
      Cái vẫy tay cuối cùng của thành phố thân yêu.
      Mười lăm năm đâu phải một ngày xa
      Thằng bạn cũ đã thành đồng chí
      Đêm đêm khơi từng ngọn lửa
      Kể tôi nghe chuyện mụ lý, ông cò…
      Những tấm lòng bền bỉ
      Cứng như hòn đất chai
      Thở bằng hơi nghĩa khí
      Làm trăm nghề chỉ chừa nghề cho Mỹ
      Làm trăm thân cũng dân dã cụ Hồ
      Ơi Đất phải ra đi và Đất phải trở về
      Là gạch ngói đau thương là chiến hào căm giận
      Là Trường Sơn dựng lên ngàn bệ phóng
      Là kỳ đài xưa ta khắc một câu thề
      Giải phóng!

      […]