Thica.net

Mạng thi ca Việt Nam

Trang thơ Thu Bồn

Thu Bồn

Nhà thơ Thu Bồn tên thật là Hà Đức Trọng. Ông sinh ngày 1 tháng 12 năm 1935 tại xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Năm mười một tuổi Thu Bồn vào bộ đội, là thiếu sinh quân ở đơn vị biệt động chiến đấu. Trong thời gian chiến tranh Việt Nam, ông làm phóng viên chiến trường Liên khu V sau đó về làm việc tại Tạp chí Văn nghệ quân đội thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Thu Bồn là ủy viên Ban chấp hành Hội Văn nghệ miền Trung Trung Bộ và ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa IV. Ngoài bút danh đặt theo tên dòng sông Thu Bồn quê hương, ông còn có các bút danh khác là Hà Ðức Trọng, Bờ Lốc.

Ngoài thơ, Thu Bồn còn viết tiểu thuyết, nhưng ông được biết đến nhiều với những bài trường ca, trong đó Bài ca chim Chơ Rao vẫn được coi là thành công có tính định hướng cho phong cách tiêu biểu của ông. Đây là khúc ca ca ngợi lòng yêu tự do, ý chí bất khuất của những con người Tây Nguyên trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ được giảng dạy ở chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam.

Thu Bồn mất ngày 17 tháng 6 năm 2003.

Các tác phẩm chính:

  • Bài ca chim Chơ Rao (trường ca, 1962)
  • Tre xanh (thơ, 1965)
  • Mặt đất không quên (thơ, 1970)
  • Những đám mây màu cánh vạc (tiểu thuyết 2 tập, 1975)
  • Oran 76 ngọn (trường ca, 1979)
  • Người vắt sữa bầu trời (trường ca, 1985)
  • Thông điệp mùa xuân (trường ca, 1985)
  • Một trăm bài thơ tình nhờ em đặt tên (thơ, 1992)
  • Tôi nhớ mưa nguồn (thơ, 1999)
  • Trường ca tuyển tập (1999)
  • Gởi lời con đến cùng cha
  • Quê hương mặt trời vàng
  • Vùng pháo sáng (tiểu thuyết)
  • Thu Bồn, tráng sĩ hề… dâu bể (tuyển tập tác phẩm của Thu Bồn do nhà phê bình Ngô Thảo và nhà văn Nguyễn Tiến Toàn quyên góp tiền để in nhân dịp kỉ niệm 10 năm ngày mất nhà thơ.
  • Các giải thưởng:

  • Giải văn học Nguyễn Đình Chiểu
  • Giải thưởng văn học quốc tế Lotus của Hội Nhà văn Á Phi (1973)
  • Giải thưởng báo Hà Nội Mới (1969)
  • Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001

    • Đất


      […]

      Vị đầu tiên đời sống tặng em
      Mẹ nặn sữa bằng ngón tay đen đúa
      Tay tôi đầy gai vì níu những đàn trâu
      Môi nứt nẻ vì ớt cay và gió bấc
      Em ở đâu?
      Hạnh phúc rất xa vời…
      Chúng ta đều là đất cả thôi
      Xin đừng nặn ta thành những non cao
      Hãy nặn ta thành những ông táo nhỏ
      Cho nồi cơm bé nghèo hèn
      Cho người lớn khát tự do
      Trẻ con khát sữa…

      […]

    • Hà Nội ngày nào


      […]

      Lá ngập đường Lý Thường Kiệt, Quang Trung
      quán bia Cổ Tân ngập cơn lũ lá vàng
      tôi đứng (lạ lùng chưa chả có ai chen lấn xếp hàng)
      chiếc mũ sắt chìa ra tôi hứng
      năm vại bia tươi
      không cần ly cốc
      và cứ thế dưới trời sao tôi nốc
      nước mắt chảy lưng tròng.

      Xung quanh tôi thầy bạn đâu còn
      kẻ ở chiến trường người đi sơ tán
      đâu rồi những cụ Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Quang Sáng
      Ngô Thảo, Nguyễn Duy, Thuỵ Kha, Đoàn Giỏi
      tôi người lính trị vì một cõi
      bia hơi và vô số lá vàng.

      […]

    • Trường Sa


      […]

      Trường Sa quanh năm tắm nắng mặt trời, ngọn gió nào cũng ngược, cây chịu bão và cây chịu nước, cua còn đỏ cạch như nung. Đàn hải âu mềm mại ung dung – thân xác chúng như làm bằng sóng.

      Sáng nay lòng ta sao cháy bỏng – bọn cướp nào đến bóc đất Trường Sa? Tờ báo trong tay trang gió lật qua, rồng phun nước phía Nam, trứng rồng không đắt bằng giá gạo, chuyến tàu lửa Bắc Nam đánh tráo khách lữ hành và những gã lái buôn.

      Các anh đến tự lúc nào hỡi những người lính giữ biên cương. Ai tính tháng tính năm cùng ngọn sóng! Neo hồn mình giữa quần đảo Trường Sa. Mưa như roi, gió cắt thịt da, nắng lột mặt người, nước biển ăn chân, con hàu cứa. Vết thương chồng lên những vết thương.

      Quê nhà hiện lên khi biển mù sương, sóng chộp vào giấc ngủ – giật mình tưởng lửa cháy Trường Sa!

      […]

    • Tạm biệt Huế


      […]

      Nhịp cầu cong và con đường thẳng
      Một đời anh tìm mãi Huế nơi đâu
      Con sông dùng dằng con sông chảy ngược
      Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu

      Tạm biệt Huế với em là tiễn biệt
      Hải Vân ơi xin người đừng tắt ngọn sao khuya
      Tạm biệt nhé với chiếc hôn thầm lặng
      Anh trở về hoá đá phía bên kia.