X

Hạt gạo làng ta

Hạt gạo làng ta
Có vị phù sa
Của sông Kinh Thầy
Có hương sen thơm
Trong hồ nước đầy
Có lời mẹ hát
Ngọt bùi đắng cay…

Hạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba
Giọt mồ hôi sa
Những trưa tháng sáu
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy…

Hạt gạo làng ta
Những năm bom Mỹ
Trút trên mái nhà
Những năm cây súng
Theo người đi xa
Những năm băng đạn
Vàng như lúa đồng
Bát cơm mùa gặt
Thơm hào giao thông…

Hạt gạo làng ta
Có công các bạn
Sớm nào chống hạn
Vục mẻ miệng gàu
Trưa nào bắt sâu
Lúa cao rát mặt
Chiều nào gánh phân
Quang trành quết đất

Hạt gạo làng ta
Gửi ra tiền tuyến
Gửi về phương xa
Em vui em hát
Hạt vàng làng ta…

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Nguyễn Viết Bính phổ nhạc thành nhạc phẩm cùng tên.

Dưới đây là phiên bản do Lê Bích Ngọc trình bày.

tieungaogiangho1970:

Xem bình luận (10)

  • Từ trước tới nay đọc bài thơ "Hạt gạo làng ta" tôi cứ nghĩ câu:

    Những năm bom đạn
    Vàng như lúa đồng

    là có thể hiểu được. Mới đây, thấy thằng con học lớp 5 đọc:

    Những năm băng đạn
    Vàng như lúa đồng

    Tôi bảo nó đọc sai, nó giở sách giáo khoa ra thì sách in đúng như vậy.
    Tôi giở "mạng" ra xem thì thấy lung tung quá, có sách còn in:

    Những năm băng đạn
    Vàng hơn lúa đồng

    Tôi muốn được hỏi đích danh nhà thơ Trần Đăng Khoa xem từ nào là đúng và ý của câu thơ trên là như thế nào?

  • đề nghị Nhà thơ Trần Đăng Khoa chép tặng bài tho Hạt gạo làng ta và xin chữ ký nhà thơ. rất mong được đáp ứng.

  • Những năm băng đạn là đúng đấy chú ạh.
    Con cũng mới lớp bảy thích thơ lắm nên vô đây coi.
    sách cũ của con in vậy ạh.b
    Bài thơ hay nói về công lao của hậu phương khi tiền tuyến chiến đấu. Hay tuyệt

  • Theo tôi được biết thì "băng đạn" là đúng.
    "Bom đạn" là một danh từ ghép chỉ vũ khí nói chung, không phải sự vật có tính chất cụ thể (màu sắc "vàng") để có thể so sánh với "lúa đồng"
    Đây là hình ảnh lấy sự tương đồng về màu sắc vỏ đạn bằng đồng - lúa làm điểm tựa so sánh sự dày đặc của đạn đã bắn trên quê hương không phải một hai viên có thể đếm, mà là cả "băng", thậm chí là rất nhiều "băng đạn", nhiều như lúa đồng vậy.

  • "Băng đạn" đấy. Những khẩu súng 12 ly 7 nạp đạn sẵn đặt trên những gò cao chuẩn bị bắn có những băng đạn đồng vàng choé hay khảu 14 ly 5 4 nòng có những viên đạn to cũng vàng như vậy. qua câu thơ này thấy Trần Đăng Khoa ngày ấy có đi thực tế hoặc vô tình nhìn thấy như kiểu bọn tôi đi học qua trận địa vậy.Hình ảnh đắt đấy nhưng mới đây tôi mới biết rõ đoạn:" có công các bạn sớm nào chống hạn vục mẻ miệng gầu"

  • Tôi hâm mộ thơ của Trần Đăng Khoa,ông viết nhiều bài các em tiểu học hứng thú đọc

  • Tôi thì thắc mắc câu "Gánh phần", liệu câu này có trong bài thơ không chú Khoa? Có bài hát thì có bài hát thì không, còn chú, chú có và có sửa lại không hay không? Chú cho cháu câu trả lời nhé chú.
    Đợi tin của chú ạ

  • Cháu học từ lớp 5 bài này cách đây cũng phải 7 năm mà giờ xem lại trên trang web chuyên về thơ ca này lại thấy nhớ quá ạ. Rất cảm ơn Thica.net đã cho cháu một vé quay về hoài niệm ạ!! Cháu yêu thi ca rất nhiều ạ😍😃😊