X

Mùa hạ

Đó là mùa của những tiếng chim reo
Trời xanh biếc, nắng tràn trên khắp ngả
Đất thành cây, mật trào lên vị quả
Bước chân người bỗng mở những đường đi

Đó là mùa không thể giấu che
Cả vạn vật đều phơi trần dưới nắng
Biển xanh thẳm, cánh buồm lồng lộng trắng
Từ những miền cay đắng hoá thành thơ.

Đó là mùa của những ước mơ
Những dục vọng muôn đời không xiết kể
Gió bão hoà, mưa thành sông thành bể
Một thoáng nhìn có thể hoá tình yêu

Đó là mùa của những buổi chiều
Cánh diều giấy nghiêng vòm trời cao vút
Tiếng dế thức suốt đêm dài oi bức
Tiếng cuốc dồn thúc giục nắng đang trưa

Mùa hạ của tôi, mùa hạ đã đi chưa
Ôi tuổi trẻ bao khát khao còn, hết?
Mà mặt đất màu xanh là vẫn biển
Quả ngọt ngào thắm thiết vẫn màu hoa.

28-6-1986

Phù Châu:

Xem bình luận (2)

  • Cảm xúc về mùa hạ trào dâng trong tâm hồn XQ:
    Gió bão hoà, mưa thành sông thành bể
    Một thoáng nhìn có thể hoá tình yêu!
    Đầy nữ tính và bay bổng trong cảm xúc.Chắc chị viết trong một tâm thế thật thăng hoa...
    Ở đoạn kết chị lại trở về với chính mình,với mùa hè của tuổi thơ kỳ ảo của mỗi đời một con người:
    Ôi tuổi trẻ bao khát khao còn hết
    Qủa ngọt ngon thắm thiết vẫn mầu hoa...
    Câu kết XQ đã lột tả hết cái thần thái của mùa hè,song đầy nữ tính...

  • " Mùa hạ" là một bài thơ được Xuân Quỳnh sáng tác khi tuổi trẻ đã đi qua. Lúc đó chị đã là một phụ nữ từng trải và đứng tuổi, nhưng cái rực cháy, cái khát khao của một thời vẫn rạo rực qua từng câu thơ.
    Bài thơ được mở đầu

    Đó là mùa của những tiếng chim reo
    Trời xanh biếc, nắng tràn trên khắp ngả
    Đất thành cây, mật trào lên vị quả
    Bước chân người bỗng mở những đường đi

    Mùa hạ là mùa của những tiếng chim reo, của sắc biếc trời xanh và của nắng. Mùa hạ là mùa cây cối trưởng thành cho đời mật ngọt. Đó còn là mùa mà bước chân của con người sẽ mở ra những chặng đường mới cho cuộc đời phía trước. Mùa hạ tuyệt vời, đầy đặn và ngọt ngào.

    Nhà thơ viết tiếp"

    Đó là mùa không thể giấu che
    Cả vạn vật đều phơi trần dưới nắng
    Biển xanh thẳm, cánh buồm lồng lộng trắng
    Từ những miền cay đắng hoá thành thơ.

    Khổ thơ thứ 2 thật triết lí: Mùa hạ là mùa không thể giấu che điều gì. Phải chăng dưới ánh mặt trời rực rỡ người ta không thể giả dối? Tất cả đều trở nên trong sáng, tinh khiết và đẹp đẽ đến vô ngần:"Biển xanh thẳm, cánh buồm lồng lộng trắng". Bao nhiêu cay đắng, bao nhiêu nỗi niềm sẽ được thổ lộ bằng thơ. Tâm hồn con người sẽ không còn trĩu nặng nữa mà ngược lại trở nên nhẹ nhàng, bay bổng hơn:"Từ những miền cay đắng hoá thành thơ." Cuộc đời đáng yêu hơn rất nhiều khi ta sông trong mùa hạ.
    Khổ thơ thứ 3:

    Đó là mùa của những ước mơ
    Những dục vọng muôn đời không xiết kể
    Gió bão hoà, mưa thành sông thành bể
    Một thoáng nhìn có thể hoá tình yêu

    Nhà thơ vẫn tiếp tục lí giải về mùa hạ để người đọc hiểu cặn kẽ về một mùa của năm và một giai đoạn trong cuộc đời con người. Chất triết lí của thơ Xuân Quỳnh nó nhẹ nhàng và dễ thấm dễ hiểu biết bao: Mùa hạ là mùa của những giấc mơ, những dục vọng không kể xiết của con người. Đó là tuổi trẻ rất nhiều đam mê trong cuộc đời ta. Nhiều dục vọng vì ta luôn tràn căng sức sống, luôn sẵn sàng hưởng thụ và dâng hiến cho cuộc đời. Những dục vọng không kể xiết ấy sẽ nâng ta lên đẹp đẽ nhưng cũng khi biến cuộc đời ta thành gió bão đến vô cùng. Mùa hạ là mùa nhiều gió nhiều mưa nhất trong năm và tuổi trẻ cũng là những năm tháng thăng trầm nhất trong cuộc đời ta. Hạnh phúc có khi đong đầy nhưng đớn đau nhiêu khi cũng không kể xiết:"Gió bão hoà, mưa thành sông thành bể" và "Một thoáng nhìn có thể hoá tình yêu". Xuân Quỳnh đã trải qua những tháng năm như thế nên chị viết đúng và hay đến mức ta không thể không công nhận. Cái sâu sắc của thơ Xuân Quỳnh có lẽ là ở chỗ giản dị và đúng với cuộc sống như thế.
    Khổ thơ thứ 4 nhà thơ viết về những hình ảnh quen thuộc của mùa hạ: những buổi chiều, cánh diều giấy, tiếng dế, tiếng cuốc, cái oi ả của đêm hè, cái nắng đang trưa...

    Đó là mùa của những buổi chiều
    Cánh diều giấy nghiêng vòm trời cao vút
    Tiếng dế thức suốt đêm dài oi bức
    Tiếng cuốc dồn thúc giục nắng đang trưa

    Những hình ảnh và âm thanh ấy như đưa người đọc trở về với tuổi trẻ của mình, gợi nhắc về cả thời thơ ấu - một thời mà cánh diều, bầu trời , tiếng dế, tiếng chim cuốc là cả một thế giớ bồi hồi, xao xuyến . Thơ Xuân Quỳnh hay vì nó gần gũi với ta, nó giống cuộc sống ta đã từng trải qua, nó nói hộ ta những điều ta chưa nói được.
    Ở khổ thơ kết, Xuân Quỳnh lại trở về với chính mình

    Mùa hạ của tôi, mùa hạ đã đi chưa
    Ôi tuổi trẻ bao khát khao còn, hết?
    Mà mặt đất màu xanh là vẫn biển
    Quả ngọt ngào thắm thiết vẫn màu hoa.

    Chị giật mình thảng thốt hỏi:" Mùa hạ của tôi, mùa hạ đã đi chưa
    Ôi tuổi trẻ bao khát khao còn, hết?". Chị ngỡ ngáng không biết mùa hạ của mình đã đi hay chưa, tuổi trẻ với những khát khao còn hay hết? Đã bao giờ ta tự hỏi mình như thế chưa? Hỏi để giật mình, hỏi để tự điều chỉnh cuộc sống của mình, hỏi để níu giữ những khát khao, để níu giữ tuổi trẻ. Sau câu hỏi ấy Xuân Quỳnh dịu dàng khẳng định: " Mà mặt đất màu xanh là vẫn biển, Quả ngọt ngào thắm thiết vẫn màu hoa." Mặt đất chỗ nào màu xanh chỗ đó vẫn là biển, quả ngọt ngào vẫn thắm thiết mang sắc màu của hoa. Con người cũng thế, dù năm tháng đã đi qua nhưng những khát khao, những mơ ước mãi vẫn còn không thể mất.
    " Mùa hạ" của Xuấn Quỳnh thật sự là một bài thơ hay, giàu màu sắc triết lí về con người và cuộc đời. Đọc " Mùa hạ" ta thấy ngời ngời một niềm tin, ngời ngời một niềm lạc quan khi nghĩ về cuộc sống. Ta sẽ sống đẹp hơn, vui hơn và tha thiết hơn với chính mình và với mọi người.

Nội dung liên quan