X

Sông Hồng

một con sông chảy qua thời gian
chảy qua lịch sử
chảy qua triệu triệu cuộc đời
chảy qua mỗi trái tim người
khi êm đềm khi hung dữ
một con sông rì rầm sóng vỗ
trong muôn vàn trang thơ
làm nên xóm thôn, hoa trái, những ngôi nhà
tạo sắc áo, màu cây và tiếng Việt
một giống nòi sinh tự một dòng sông
trăm đứa con xuống biển lên rừng
ở lại Phong Châu, người con thứ nhất
vua Hùng Vương thứ nhất nước Văn Lang
sóng và phù sa – khái niệm đầu tiên
nước và đất để nay thành Đất Nước
một con sông dịu dàng như lục bát
một con sông phập phồng muôn bắp thịt
một con sông đỏ rực
nhuộm hồng nâu da người.
ôi Sông Hồng, mẹ của ta ơi
người chứa chất trong lòng
bao điều bí mật
bao kho vàng cổ tích
bao tiếng rên nhọc nhằn
bao xoáy nước réo sôi trong ngực rộng của người
bao doi cát ngầm trong lòng người phiêu bạt
người quằn quại dưới mưa dầm nắng gắt
cho ban mai chim nhạn báo tin xuân
cho đơn sơ hạt gạo trắng ngần
cả nhành dâu bé xanh
người cũng cho nhựa ấm

một dòng sông với những thuyền những bến
những thân đê uốn lượn lưng rồng
hoa gạo đỏ bờ sông những đền miếu phố phường
mái rạ bờ tre hoàng hôn khói bếp
một dòng sông như dòng đời mãnh liệt
nhấn chìm bao thuyền giặc
và xoá nhoà dấu vết các triều vua…
sóng rập rờn quanh bè gỗ tuổi thơ
nước sông chảy trên vai em lấp loáng
ta đi qua những bến phà tan nát
một ngàn ngày xa cách
một ngàn đêm sông Hồng
trên chùm sao bánh lái
trong câu hò đồng đội
trong ráng mây cuồn cuộn căng buồm…
máu ta mang sắc đỏ sông Hồng
nỗi khổ và niềm vui bất tận
luôn luôn mới đến, luôn luôn ra đi
luôn già nhất và luôn trẻ nhất
sông để lại trước khi về với biển
không phải máu đen độc ác của quân thù
không phải gươm đao ngàn năm chiến trận
không phải nghẹn ngào tiếng nấc
sau sụp lở hưng vong sau thù hận sóng trào
là bãi mới của sông xanh ngát
là đất đai lấn dần ra biển
là tâm hồn đằm thắm phù sa
dâng yêu thương đỏ rực đôi bờ.

Thica.net:

Xem bình luận (1)

  • Viết về dòng sông- là đề tài vô cùng quen thuộc. Viết về Sông Hồng lại càng quen thuộc. Đã mấy ai vượt qua được mấy câu thơ cảu Chế lan Viên:
    " Hỡi Sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm
    Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?"
    Lưu Quang Vũ đã viết bài thơ về Sông Hồng khi đất nước vẫn đang còn đạn lửa. Dòng sông đỏ nặng phù sa ấy như một chứng nhân lịch sử qua biết bao thăng trầm của dân tộc. Dòng sông vừa ngọt ngào, vừa dữ dội, vừa kiên cường như những con người Việt Nam đã từng trải qua bao gian nan thử thách để trở nên đằm thám và bao dung.

    một con sông chảy qua thời gian
    chảy qua lịch sử
    chảy qua triệu triệu cuộc đời
    chảy qua mỗi trái tim người

    Con sông chảy qua thời gian , qua lịch sử, qua triệu triệu cuộc đời, qua mỗi trái tim người- cách nói của nhà thơ vừa hình tượng vừa khái quát lại vừa cụ thể. Sông Hồng hiện lên cùng bề dày lịch sử của một vùng đồng bằng châu thổ. Sông Hồng gắn bó biết bao với cuộc đời của mỗi con người. Sông Hồng là thế:

    khi êm đềm khi hung dữ
    một con sông rì rầm sóng vỗ
    trong muôn vàn trang thơ
    làm nên xóm thôn, hoa trái, những ngôi nhà
    tạo sắc áo, màu cây và tiếng Việt

    Một con sông có tính cách rõ ràng, một con sông đã làm nên văn hóa của một vùng dân cư, làm nên xóm thôn, hoa trái, nhà cửa, sắc áo màu cây cảu dân tộc Việt. Sông Hồng vĩ đại và thân thuộc

    một giống nòi sinh tự một dòng sông
    trăm đứa con xuống biển lên rừng
    ở lại Phong Châu, người con thứ nhất
    vua Hùng Vương thứ nhất nước Văn Lang
    sóng và phù sa – khái niệm đầu tiên
    nước và đất để nay thành Đất Nước

    Dòng sông đã sinh ra nòi giống Tiên Rồng, đã cho ta những khái niệm đầu tiên về Đất Nước.

    một con sông dịu dàng như lục bát
    một con sông phập phồng muôn bắp thịt
    một con sông đỏ rực
    nhuộm hồng nâu da người.
    ôi Sông Hồng, mẹ của ta ơi
    người chứa chất trong lòng
    bao điều bí mật
    bao kho vàng cổ tích
    bao tiếng rên nhọc nhằn
    bao xoáy nước réo sôi trong ngực rộng của người
    bao doi cát ngầm trong lòng người phiêu bạt
    người quằn quại dưới mưa dầm nắng gắt
    cho ban mai chim nhạn báo tin xuân
    cho đơn sơ hạt gạo trắng ngần
    cả nhành dâu bé xanh
    người cũng cho nhựa ấm
    Vớ cách kết hợp những câu thơ dài ngắn khác nhau, nhịp thơ thay đổi liên tục ta có cảm giác như dòng chảy của sông Hồng đang chảy tràn trong mỗi câu thơ của Lưu Quang Vũ. Một con sông dịu dàng như lục bát, một con sông đỏ rực, một con sông khỏe khoắn như bắp thịt cuồn cuộn, một con sông bí hiểm, mọt con sông bao dung như lòng mẹ. Con sông ấy còn chất chứa bao nỗi nhọc nhằn, bao xoáy nước réo sôi, bao doi cát đắng cay trong lòng người phiêu bạt, bao quằn quại của những người lao động dưới mưa dầm nắng gắt để cho hạt gọa trắng ngần, cho nhành dâu bé xanh cũng cho nhựa ấm. Dòng sông vừa chứng kiến, vừa nuôi dưỡng và nâng niu sự sống của con người.
    Ở khổ thơ tiếp theo là hình ảnh của Sông Hồng của hiện tại, quá khứ và tương lai:

    một dòng sông với những thuyền những bến
    những thân đê uốn lượn lưng rồng
    hoa gạo đỏ bờ sông những đền miếu phố phường
    mái rạ bờ tre hoàng hôn khói bếp

    Hiện tại thật trù phú vơi những thuyền những bến, những thân đê uốn lượn, hoa gọa đỏ bờ sông, đền miếu, phố phường, mái rạ bờ tre và khói bếp. Cuộc sóng thường nhật hiện lên vừa bình dị, ấm áp, lại thân thương biết bao. Sông Hồng còn là dòng sông của quá khứ oai hùng của tuổi thơ và của những kỉ niệm :

    một dòng sông như dòng đời mãnh liệt
    nhấn chìm bao thuyền giặc
    và xoá nhoà dấu vết các triều vua…
    sóng rập rờn quanh bè gỗ tuổi thơ
    nước sông chảy trên vai em lấp loáng
    ta đi qua những bến phà tan nát
    một ngàn ngày xa cách
    một ngàn đêm sông Hồng
    trên chùm sao bánh lái
    trong câu hò đồng đội
    trong ráng mây cuồn cuộn căng buồm…

    Sông Hồng là máu, là nỗi khổ niềm vui bất tận của con ngươi :

    máu ta mang sắc đỏ sông Hồng
    nỗi khổ và niềm vui bất tận

    Sông Hồng luôn thay đổi, luôn luôn đến và luôn luôn đi theo từng con nước chảy, Luôn già nhất và cũng luôn trẻ nhất. Trước khi về với biển sông không để lại cho ta máu đen của quân thù ác độc, không phải giáo gươm của chiến trận, không phải tiếng nấc nghẹn ngào, không phải sụp lở hưng vong và thù hận. Trước khi xuôi về biển Sông Hồng để lại cho ta cả một tương lai xanh biếc tuyệt đẹp, đằm thắm và đầy yêu thương:

    là bãi mới của sông xanh ngát
    là đất đai lấn dần ra biển
    là tâm hồn đằm thắm phù sa
    dâng yêu thương đỏ rực đôi bờ.

    Nếu Sông Hương được gọi là A- Pàng ( dòng sông đời người) thì Sông Hồng sẽ là dòng sông của Văn Hiến vì nó đã chứng kiến biết bao sự hưng vong của các triều đại Phong Kiến Việt Nam. Chứng kiến cuộc cách mạng Tháng Tám vĩ đại. Chứng kiến sự đi lên của miền bắc xã hội chủ nghĩa. Sông Hồng đã đi vào thơ Lưu Quang Vũ với cảm hứng dân tộc thật tha thiết và truyền cảm như vậy. Đọc " Sông Hồng" ta thấy Quang Vũ luôn là nhà thơ thể hiện rất rõ trách nhiệm cảu thế hệ mình đối với Đất nươc. Bài thơ của ông có tính triết luận sâu sắc.

Nội dung liên quan