X

Gió bay

Rồi hôm nào bỗng gió bay
Cái bóng ngoài kia đến đợi
Anh giật mình đứng đậy
Đến giờ rồi hôm nay

Trên tay cốc nhỏ không đầy
Uống chúc bạn bè ở lại
Anh chắt cuộc đời anh chắt mãi
Chút ngọt bùi chút đắng cay

Người tôi còn nhiều bùn tanh
Mặt tôi nhuốm xanh nhuốm đỏ
Tay tôi vướng nhiều đồ bỏ
Nhiều dây nhợ tự buộc mình

Thôi xin tha cho mọi lỗi lầm
Quên cho những dối lừa khoác lác
Tôi biết tôi đã nhiều lần ác
Và ngu dại còn nhiều lần hơn

Mong anh em hiểu đừng cười
Tôi gửi lại đây chìa khóa
Tất cả cửa nhà tôi đó
Ngổn ngang… qua tạm cuộc đời

Tiếng đập cửa thình thình gọi
Anh vẫy cười
Xin chia tay
Lời ai văng vẳng
Hôm nào gió bay?

Phù Châu:

Xem bình luận (1)

  • Một bài thơ hết sức chân thành của Nguyễn Đình Thi.Một cương vị như vậy, một tài năng như vậy, sống một cuộc đời như vậy…không thể nào không có lúc này, lúc khác. Và những lúc không thật với mình, dù ở cương vị một người lĩnh tránh nhiệm chung hay đứng để xử lý công việc với tình cảm riêng tư, thì khi một mình đối diện với mình, tất cả đều phải công bình, sòng phẳng.
    Tai sao lại là “gió bay”.Cái tứ chính là cho rằng cuộc đời như gió thoảng, mây bay. Nó vô thường và hữu hạn. Khi thần chết đến gõ cửa, mới biết rằng mình chẳng có quà gì tặng cho thần chết.
    Vậy là, với bạn bè còn lại chỉ còn chút chắt chiu, cứ “chắt mãi” mà cũng chỉ còn từng ấy thôi.
    Thân xác hôi tanh, gương mặt lúc thế này lúc thế khác, lại sở hữu nhiều cái chẳng thuộc về mình, lại có lúc dối lừa, huênh hoang, có lúc ác.Và sâu cay hơn nữa là còn nhiều lần phạm cái lỗi ngu.Sự ngu của một người như ông chắc hẳn là ảnh hưởng đến nhiều người.
    Tận đáy lòng, đây là nỗi buồn lớn của nhân thế.
    Thật khó hình dung phút giây này của ông với cái hoàn cảnh “Giũ bùn đứng dậy sáng lòa” hay khi ông ca lên khúc hát “Người Hà Nội”.
    Và ông giao lại chìa khóa cho người sau, để mọi sự cho lịch sử phán xét.Ông biết, mình thuộc về lịch sử, và nói cho cùng ông sống cuộc đời của một cá nhân trong cái dòng chảy lịch sử không ngừng đó.Nhiều điều, ông có muốn cũng không được.
    Đó cũng là lý do khiến ông “vẫy cười” vào phút chót.
    Tôi nhớ gương mặt của Nguyễn Đình Thi vào nhưng năm cuối của đời mình.Lúc nào ông cũng có cái vẻ khiêm nhường với người đối thoại, và ông cũng nói rằng cho đến lúc ấy ông vẫn chỉ lờ mờ hiểu ra văn hóa của Việt Nam, nó còn thẳm sâu và bí ẩn lắm.
    Chắc hẳn là vậy.

Nội dung liên quan