X

Bài học vỡ lòng

Ngày đầu tiên đến trường làng
Vỡ lòng tôi học: xếp hàng xòe tay
Ngập ngừng, cuống quýt thơ ngây
Những bàn tay, những bàn tay… nở xòe.

Trong xanh là mắt tròn xoe
Lặng im nhìn, lặng im nghe tiếng thầy
Lòng tay rớt tiếng chim ngây
Nắng lơ thơ nắng trời hây hây trời.
Bẩn tay bị khẻ, thầy ơi
Vết roi theo suốt một thời ấu thơ.

Xa quê từ bấy đến giờ
Vốn xưa vài chữ i-tờ thầy trao
Mặc đời kẻ thấp người cao
Xòe tay cho tiếng chim vào lòng kêu

Đạo đời bao nỗi trớ trêu
Tình ngang nghĩa dọc cũng liều bước chân
Từng đêm tỉnh giấc bâng khuâng
Tay xòe ra bỗng nắng hừng đông xưa.

Vỡ lòng bao nỗi nắng mưa
Bàn tay sạch mấy vẫn thừa nỗi lo
Vẫn chưa qua phận học trò
Học làm sao hết chữ ngờ mà mong.

Về làng qua một dòng sông
Gặp thầy…. “còn nhớ con không hở thầy?”
Ngập ngừng cuống quýt xòe tay
Sạch thơm mười ngón lòng đầy tiếng chim.

Thica.net:

Xem bình luận (1)

  • 1- Ý chủ đạo của bài thơ rất hay. Hay ở chỗ là:
    - Giá trị của bài học vỡ lòng. Bài học đó với ý trực diện chỉ là giữ vệ sinh đôi bàn tay, nhưng còn ngầm ý là giữ đạo làm người trong sạch, tử tế.
    - Người trò đã hiểu được giá trị sâu xa của bài vỡ lòng được học thở “I tờ”. Tuy điều thày giảng buỗi vỡ lòng chỉ là giữ bàn tay cho sạch, nhưng từ câu dạy đơn giản đó, em không chỉ giữ bàn tay sạch mà còn giữ được lòng trong sạch ngay giữa dòng đời “bao nỗi trớ trêu” và “tình ngang nghĩa dọc” để sau khi đi gần hết cuộc đời, được gặp lại Thày, em có thể tự tin “Xòe tay” với “Sạch thơm mười ngón lòng đầy tiếng chim” để thưa thày răng, em đã giữ tay sạch mà thực ý là để báo cáo với Thày rằng, em đã sống một đời trong sạch theo đúng bài vỡ lòng mà Thày đã dạy em.
    2- Tuy nhiên, cách diễn ý trên quá loãng, có chỗ “lạc điệu”, khiến người đọc chưa dễ hiểu theo ý tốt mà tôi vừa nêu. Chẳng hạn:
    - Câu “Vốn xưa vài chữ i-tờ thầy trao” không nói lên cái nền tảng đạo đức mà thày đã xây đắp trong trò từ bài vỡ lòng, chẳng liên quan gì đến cái TRONG SẠCH của bàn tay, suy ra là NHÂN CÁCH, trái lại, còn có ý chê sự “bèo bọt” của kiến thức thày trao do câu “Vốn xưa vài chữ i-tờ” gây ra.
    - Và các câu sau:
    Vỡ lòng bao nỗi nắng mưa
    Bàn tay sạch mấy vẫn thừa nỗi lo
    Vẫn chưa qua phận học trò
    Học làm sao hết chữ ngờ mà mong.
    Đoạn trên rõ ràng là sự CHÊ BAI KIẾN THỨC của Thày chứ còn gì. Nói thế có khác gì bảo rằng, những điều Thày dạy chằng “NHẰM NHÒ GÌ” so với SÓNG GIÓ CUỘC ĐỜI. Chẳng có Thày nào cho bạn ĐỦ VÕ CỤ THỂ để đối phó với VÕ ĐỜI.Nhưng vẫn có những ông Thày biết dạy trò DĨ BẤT BIẾN ỨNG VẠN BIẾN, ĐÚNG PHƯƠNG CHÂM “TIÊN HỌC LỄ- HẬU HỌC VĂN” vow2is chữ Lễ được hiểu đúng là NHÂN CÁCH, còn VĂN là KHOA HỌC, điều mà bao người đã hiểu sai lạc là LỄ LẠC và VĂN CHƯƠNG.
    Nhà Thơ hãy cố tìm ra giá trị của BÀI VỠ LÒNG theo hướng đó. Đó mới là SỨ MẠNG CỦA NHÀ THƠ. Đừng làm thơ dạng CA CẨM.
    3- Theo hướng đó, xin ĐỒNG CA với nhà thơ bài sau:
    LỜI RU
    Em nên người bởi lời ru
    Khúc Đêm của Mẹ khúc Trưa của Bà
    Khúc xanh của Lúa đồng xa
    Khúc reo của Thác Gió hòa đầu nương
    Dưới Phượng hồng rợp mái trường
    Lời ru Thày chỉ em đường mai sau
    Mỗi con chữ một nhịp cầu
    Em qua biển cả, sông sâu đường đời
    Dù nơi góc biển, chân trời
    Chúng em vẫn nhớ muôn lời Thày ru
    Trường Sơn một giải sương mù
    Đã từng vang vọng lời ru của Thày
    Lê Sỹ Thiệp

Nội dung liên quan