Nhà thơ Hoàng Ngọc Ẩn sinh ngày 1 tháng 3 năm 1940 tại Ban Mê Thuột, quê gốc ở Thừa Thiên Huế, mồ côi cha từ khi mới lên ba tuổi. Sự nghiệp thi ca của Hoàng Ngọc Ẩn khởi đầu với một bài thơ được đăng trên báo Phụ Nữ Diễn Đàn vào năm 1955, khi ông còn đang sống cùng chú ở Kon Tum.
Năm 18 tuổi, Hoàng Ngọc Ẩn vào Sài Gòn một mình, vừa đi học trường Nguyễn Công Trứ, vừa làm việc tại nhà in Bình Minh. Về sau ông làm việc tại Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Biên Hoà. Thời điểm xảy ra biến cố tháng 4 năm 1975 Hoàng Ngọc Ẩn đang là trưởng phòng Công thự và Mãi dịch. Ông là một trong những người Việt Nam đầu tiên tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ: cả gia đình ông được chuyển đến thành phố Houston, Texas vào ngày 16 tháng 6 năm 1975.
Hiện Hoàng Ngọc Ẩn đang điều hành hai tờ báo ở Houston. Một tờ là Thương mại Việt Nam, có mặt trong làng báo từ năm 1982. Một tờ khác là Vietnam Post, xuất bản từ năm 1992. Cũng từ năm 82, ông thành lập nhà sách Văn Hữu và đã thực hiện quyển Tuyển tập 90 tác giả. Dần dần tiệm sách này bán thêm những băng nhạc và trở thành một địa điểm quen thuộc với những người yêu thơ văn và âm nhạc. Nhưng đến năm 87, Văn Hữu ngưng hoạt động sau khi Hoàng Ngọc Ẩn ly hôn với người vợ đầu tiên. Trong khoảng thời gian từ năm 89 đến 96, ông thành lập phòng thu Hạ Quyên cũng như khai thác nhà hàng ca nhạc Song Long ở Houston.
Hoàng Ngọc Ẩn được mệnh danh là người mang thi ca đến với âm nhạc. Thơ ông được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc và phổ biến rộng rãi: Phạm Duy với các bài Tháng tám mưa mây, Buồn xưa, Hãy trả lại em, Trong mộ chiều xuân; Phạm Đình Chương với bài Cho một thành phố mất tên; Huỳnh Anh với bài Rừng lá thay chưa, Việt Dzũng với Tự trầm, Bài Tango cuối cùng, Bên đời hiu quạnh, Thung lũng chim bay; Trần Quan Long với Sóng sầu, Thành phố quạnh hiu; Song Ngọc với Sài Gòn vĩnh biệt tình ta, Một thoáng ngậm ngùi; Lê Uyên Phương với Mưa rơi, Ta vẫn còn sầu, Sài Gòn yêu dấu; Trầm Tử Thiêng với Bài Tango cho người tình lỡ; Lê Dinh với Tình ca người mất quê hương… và nhiều nhạc sĩ khác.
Tác phẩm đã xuất bản:
Sài Gòn vĩnh biệt (thơ)