Thica.net

Mạng thi ca Việt Nam

Trang thơ Lê Anh Xuân

Lê Anh Xuân

Lê Anh Xuân tên thật là Ca Lê Hiến, sinh ngày 5 tháng 6 năm 1940 tại thị xã Bến Tre, quê quán: xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Cha ông là giáo sư Ca Văn Thỉnh, một nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học. Các thành viên trong gia đình ông cũng đều là những nhà giáo, nghệ sĩ được biết tới. Anh trai ông là nhạc sĩ Ca Lê Thuần, em gái là nữ đạo diễn Ca Lê Hồng – nguyên hiệu trưởng trường Nghệ thuật Sân khấu II thành phố Hồ Chí Minh, em trai là hoạ sĩ Ca Lê Thắng.

Lê Anh Xuân sớm tiếp xúc với văn thơ từ nhỏ, năm 12 tuổi, Lê Anh Xuân bắt đầu vừa học văn hóa, vừa học việc ở nhà in Trịnh Đình Trọng thuộc Sở Giáo dục Nam Bộ trong chiến khu.

Năm 1954, Lê Anh Xuân theo gia đình tập kết ra Bắc, học ở các trường học sinh miền Nam, Trường phổ thông trung học Nguyễn Trãi (Hà Nội), rồi vào học khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Bài thơ đầu tiên ra mắt bạn đọc, Nhớ mưa quê hương, được Lê Anh Xuân viết trong dòng cảm xúc thương nhớ da diết miền Nam, đã chiếm được cảm tình của độc giả và được giải nhì trong cuộc thi thơ năm 1960 của tạp chí Văn nghệ.

Tốt nghiệp đại học, Lê Anh Xuân được giữ lại làm cán bộ giảng dạy ở khoa Sử và được cử đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài, nhưng ông từ chối để trở về quê hương chiến đấu. Cuối năm 1964, ông đã vượt Trường Sơn vào miền Nam, làm việc ở Tiểu ban Giáo dục thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam. Sau đó ông làm việc tại Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam. Trong thời gian này, ông bắt đầu sử dụng bút danh Lê Anh Xuân. Ngoài làm thơ, ông còn viết cả văn xuôi.

Lê Anh Xuân mất ngày 21 tháng 5 năm 1968 tại ấp Phước Quảng, xã Phước Lợi, huyện Cần Đước, tỉnh Long An trong một trận càn của đối phương.

Tác phẩm:

  • Tiếng gà gáy (thơ, 1965)
  • Không có đâu như ở miền Nam (thơ, in chung, 1968)
  • Nguyễn Văn Trỗi (trường ca, 1968)
  • Hoa dừa (thơ, 1971)
  • Thơ Lê Anh Xuân (tuyển thơ, 1981)
  • Giữ đất (tập văn xuôi-1966)

    • Nguyễn Văn Trỗi


      […]

      Việt Nam xứ sở thần tiên
      Bốn mùa một sắc trời riêng đất này
      Xóm làng, đồng ruộng, rừng cây
      Non cao gió dựng, sông đầy nắng chan
      Sum sê xoài biếc, cam vàng
      Dừa nghiêng cau thẳng hàng hàng nắng soi
      Có nơi đâu đẹp tuyệt vời
      Như sông, như núi, như người Việt Nam
      Đầu trời ngất đỉnh Hà Giang
      Cà Mau cuối đất mỡ màng phù sa
      Trường Sơn chí lớn ông cha
      Cửu Long lòng mẹ bao la sóng trào
      Mặt trời ánh sáng tự hào
      Dáng đi cũng lấp lánh màu tự do
      Bốn ngàn năm dựng cơ đồ
      Vạn năm từ thuở ấu thơ loài người
      Ôi Việt Nam! Việt Nam ơi!
      Việt Nam, ta gọi tên Người thiết tha.

    • Trở về quê nội


      […]

      Ta có ngờ đâu em ta đấy
      Dưới mái lều kia em đã lớn lên
      Em đẹp lắm như mùa xuân bừng dậy
      Súng trên vai cũng đẹp như em
      Em ơi! Sao tóc em thơm vậy
      Hay em vừa đi qua vườn sầu riêng?
      Ta yêu giọng em cười trong trẻo
      Ngọt ngào như nước dừa xiêm
      Yêu dáng em đi qua cầu tre lắt lẻo
      Dịu dàng như những nàng tiên
      Em là du kích, em là giao liên
      Em chính là quê hương ta đó
      Mười một năm rồi ta nhớ, ta thương

      […]

    • Nhớ cơn mưa quê hương


      Quê nội ơi
      Mấy năm trời xa cách
      Đêm nay, ta nằm nghe mưa rơi
      Nghe tiếng trời gầm xa lắc…
      Cớ sao lòng thấy nhớ thương.
      Ôi cơn mưa quê hương
      Đã ru hát hồn ta thuở bé,
      Đã thấm nặng lòng ta những tình yêu chớm hé.
      Nghe tiếng mưa rơi trên tàu chuối, bẹ dừa,
      Thấy mặt trời lên khi tạnh những cơn mưa.
      Ta yêu quá như lần đầu mới biết
      Ta yêu mưa như yêu gì thân thiết
      Như tre, dừa, như làng xóm quê hương.
      Như những con người biết mấy yêu thương.

      […]

    • Dừa ơi


      Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ
      Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ
      Cứ mỗi chiều nghe dừa reo trước gió
      Tôi hỏi nội tôi: “Dừa có tự bao giờ?”

      Nội nói: “Lúc nội còn con gái
      Đã thấy bóng dừa mát rượi trước sân
      Đất này xưa đầm lầy chua mặn
      Đời đói nghèo cay đắng quanh năm”

      […]