Thica.net

Mạng thi ca Việt Nam

Trang thơ Song Hồ

Nhà thơ Song Hồ tên thật là Nguyễn Thanh Đàm, sinh ngày 8 tháng 8 năm 1932. Ngoài bút hiệu Song Hồ kí dưới các bài thơ và tiểu luận văn học ông còn dùng bút hiệu Chính Sử dưới các bài bình luận thời sự.

Bài thơ đầu tiên của ông là Thư gửi người em Hà Nội được sáng tác vào cuối năm 1949 trong thời gian ông tham gia kháng chiến chống Pháp tại núi rừng Bắc Việt.

Năm 1952, Song Hồ trở về Hà Nội tiếp tục việc học và vừa sáng tác, vừa viết báo, cộng tác với các báo Tia Sáng, Giang Sơn (Hà Nội), Đời Mới, Nguồn Sống Mới (Sài Gòn).

Năm 1954, đất nước bị chia đôi, ông di cư vào Nam. Đại tá Hồ Hán Sơn trong quân đội Cao Đài từ Tây Ninh về Sài Gòn đón ông, đưa đến gặp Trung tướng Nguyễn Thành Phương và Hộ pháp Phạm Công Tắc. Tại tổng hành dinh của quân đội Cao Đài ở Giang Tân, ông được giao chức Cố vấn văn nghệ và báo chí, phụ trách tuần báo Quyết Thắng và Đài phát thanh Long Hoa. Lúc này cuộc chống đối giữa Hộ pháp Phạm Công Tắc và Thủ tướng Ngô Đình Diệm trở nên gay gắt. Thấy tình thế bất lợi cho Cao Đài, Song Hồ cáo bệnh về Sài Gòn.

Tại Sài Gòn, ông làm việc cho Văn Hóa Vụ của Kiến trúc sư Vĩ Đức Diên. Sau ông sang làm việc cho Luật sư Trần Chánh Thành. Tại đây, ông viết tin tức và bình luận cho các báo và đài phát thanh.

Cuối năm 1955, ông được cử đi công tác tại Cambodia để giúp cải tổ nhật báo Hồn Việt cho Việt kiều ở Pnom Penh và làm chủ bút một thời gian.

Năm 1959, ông trở về Sài Gòn và được giao phụ trách tờ Hình Ảnh Việt Nam tới năm 1960, là lúc ông bị mất việc sau khi xuất bản tập thơ đầu tiên. Tập thơ mang tên Hai cánh hoa tim xuất bản đầu năm 1960 tại Sài Gòn, trong đó có bài Những nỗi buồn nhỏ nhặt, đã làm ông lao đao, suýt bị tù và nguy hiểm tính mạng. Cũng trong thời gian này, ông đi dạy văn chương ở trường trung học tư thục Nguyễn Công Trứ và lớp luyện thi trung học Sài Gòn.

Cuối năm 1963, ông cho xuất bản tập Thơ Song Hồ do nhà sách Khai Trí in.

Song Hồ là người chủ trương Ban đọc truyện Trầm Hương trên Đài phát thanh Sài Gòn từ 1965 đến 1975.

Năm 1969 ông bị bắt nhập ngũ, ra chiến trường Bình Định, Kon Tum. Tại đây, ông viết nhiều thơ về cuộc chiến tranh Việt Nam, trong đó có cuốn Đám cháy trên địa cầu, gồm hơn 1600 câu thơ. Cuốn sách này đã không được phép in năm 1973 và tháng đến tháng 5 năm 1975 bị đoàn thanh niên quàng khăn đỏ của cộng sản đốt mất cùng các sách báo xuất bản dưới chế độ cũ.

Khi chính quyền cộng sản tiếp quản Sài Gòn, ông có tên trong danh sách “nhóm 50 tên văn nghệ sĩ phản động” của chế độ miền Nam được công bố rộng rãi trên báo chí và đài phát thanh.

Song Hồ vượt biên sang Hoa Kỳ vào cuối năm 1987 và định cư tại Houston, Texas. Tại đây ông gặp và kết hôn với bà Nguyễn Kim Thanh.

Ông qua đời ngày 20 tháng 5 năm 2009, tại Hoa Kỳ, thọ 77 tuổi.

Tác phẩm chính:

  • Hai cánh hoa tim (Sài Gòn, 1960)
  • Thơ Song Hồ (Sài Gòn, Nhà xuất bản Khai Trí, 1964)
  • Đá và hoa (Hoa Kỳ, 1992)
  • Việt Nam mãi mãi (tuyển tập ca dao, thơ, hình ảnh, thất lạc sau 1975)
  • Đám cháy trên địa cầu (tập thơ dài về chiến tranh Việt Nam, viết năm 1972, không được in và bản thảo bị đốt cháy vào khoảng tháng 5/1975 tại Sài Gòn

    • Ai về miền quê tôi nhắn


      […]

      Đây Hà Nội!
      Trời mưa tuôn rả rích
      Bê bết bùn lầy, nước đọng nhớp nhơ
      Đèn nê-ông tỏa ánh điện xanh mờ
      Nhạc cuồng loạn
      Gót giầy đinh lắc ván
      Một và hai, trăm ngàn
      Rồi đến vạn
      Đèn nhạt, đèn xanh, đèn tím đèn vàng
      Nhạc điên cuồng vẫn réo rắt reo vang
      Mầu biến đổi là lòng người biến đổi
      Mập mờ và yếu đuối
      Hiện dần trong bóng tối
      Có bóng người con gái miền quê
      Khăn yếm bỏ đi rồi
      Làn tóc xoăn xoăn
      Đỏ mọng đôi môi
      Chiều thứ bẩy
      Giầy đinh vang hè phố

      […]

    • Trên đồi Thanh Long


      Giữa rừng núi trơ vơ doanh trại mọc
      Ngọn đồi xanh trọc lóc đất hoe vàng
      Giây điện cắt khung trời thành mảnh nhỏ
      Hàng kẽm gai hoen rỉ dưới mưa sương

      Theo quân đến không gian còn đượm khói
      Gió ngoài trời hun hút buốt xương da
      Súng đã nổ rộn ràng trong đêm tối
      Tiếng hoẵng kêu hốt hoảng giữa rừng già

      […]