“Que diêm nhỏ cháy bùng rồi tắt lịm…”
[…]
Thôi thế là xong.
Khi người đã lên đường
Anh chạnh nghĩ,
chỉ có điều không nói
Anh nghĩ về dòng sông,
về sân ga anh đã tới
Và về miền đất của mình giống hệt một nhà ga….
Boris Petrovich Kornilov sinh ngày 29 tháng 7 năm 1907 tại làng Pokrovskoye, huyện Semyonov, tỉnh Nizhny Novgorod, Liên Xô. Cha mẹ ông là những giáo viên trường làng.
Năm 1922, Kornilov lên thị trấn Semyonov làm thơ và tham gia tích cực vào công tác đội và đoàn Komsomol (Đoàn liên hiệp Thanh niên Cộng sản Lenin). Những bài thơ đầu tiên của ông được in ở báo tường và sau đó là báo huyện rồi báo tỉnh.
Năm 1925 ông viết đơn lên huyện đoàn đề nghị xin đi học báo chí hoặc viết văn, đến cuối năm được cử đi học ở Leningrad.
Kornilov tham gia nhóm Smena (Cmeнa – Sự thay đổi) và được thừa nhận là một trong những nhà thơ trẻ tài năng nhất của nước Nga. Trong thời gian tham gia nhóm này ông đã gặp và kết hôn với Olga Fyodorovna Berggoltz. Cuộc hôn nhân tuy ngắn ngủi nhưng đã trở thành nguồn cảm hứng của một số bài thơ nổi tiếng của Olga Berggoltz.
Năm 1928 Kornilov in tập thơ đầu tiên mang tên Tuổi trẻ (Молодость). Năm 1933 in 2 tập: Sách thơ (Книга стихов) và Những vần thơ (Стихи и поэмы). Thập niên 1930 Kornilov in nhiều trường ca, trong đó có Bài ca gặp gỡ (Песня о встречном) – tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Bản trường ca này được nhạc sĩ Dmitry Shostakovich phổ nhạc và trở thành bài hát mở đầu chương trình phát thanh buổi sáng mỗi ngày trên đài phát thanh Liên Xô trong nhiều năm liền, ngay cả sau khi Kornilov bị thanh trừng.
Giữa thập niên 1930 Kornilov sa vào một cơn khủng hoảng tinh thần và đâm ra nghiện rượu nặng. Năm 1936 ông bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn. Năm 1937, trong cuộc Đại thanh trừng, Kornilov bị bắt tại Leningrad và bị xử bắn ngày 21 tháng 2 năm 1938. Hiện không rõ phần mộ ở đâu. Sau khi chết ông được phục hồi danh dự và vị trí trong Hội Nhà văn. Hiện nay tại thành phố Semyonov có tượng đài và bảo tàng Boris Kornilov, còn ở Nizhny Novgorod có đường phố mang tên ông.
[…]
Thôi thế là xong.
Khi người đã lên đường
Anh chạnh nghĩ,
chỉ có điều không nói
Anh nghĩ về dòng sông,
về sân ga anh đã tới
Và về miền đất của mình giống hệt một nhà ga….