Thica.net

Mạng thi ca Việt Nam

Trang thơ Chế Lan Viên

Chế Lan Viên

Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 23 tháng 10 năm 1920 (tức ngày 12 tháng 9 năm Canh Thân), quê gốc ở Cam Lộ, Quảng Trị, song thuở nhỏ sống, học, và làm những bài thơ đầu tiên ở Bình Định, nên nơi này cũng được xem như quê hương thứ hai của ông.

Chế Lan Viên đã từng có thơ được in trên báo chí từ những năm 1935-1936. Năm 1937, khi tập thơ Điêu tàn được in ra (lúc ông mới 17 tuổi và là học sinh năm thứ 3 trường Trung học Quy Nhơn), ngay lập tức được dư luận đặc biệt chú ý – và được xem là một trong những nhà thơ nổi tiếng của phong trào thơ mới. Thời gian ở Bình Định ông cùng nhóm thơ với Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn được gọi là Bàn thành tứ hữu (bốn người bạn thơ đất Bình Định).

Năm 1939 ông ra học tại Hà Nội, sau vào Sài Gòn làm báo, rồi ra Thanh Hóa dạy học. Năm 1942 ông cho ra đời tập văn Vàng sao, thơ triết luận về đời với màu sắc siêu hình, huyền bí.

Ông tham gia Cách mạng tháng Tám năm 1945 tại Quy Nhơn rồi ra Huế tham gia Đoàn xây dựng cùng với Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Đào Duy Anh, viết bài cho báo Quyết thắng của Việt Minh Trung bộ.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông làm công tác báo chí ở Liên khu 4 cũ.

Tháng 7-1949 trong chiến dịch ở Tà Cơn, Đường 9 (Quảng Trị) Chế Lan Viên được kết nạp vào Đảng.

Hòa bình lập lại, ông về Hà Nội. Từ đấy cho đến suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông cho ra đời hàng loạt tập thơ như: Ánh sáng và phù sa (1960); Hoa ngày thường – chim báo bão (1967); Những bài thơ đánh giặc (1972); Đối thoại mới (1973); và một loạt tác phẩm lý luận, phê bình, văn xuôi như Phê bình văn học (1962); Suy nghĩ và bình luận (1972); Những ngày nổi giận (1966).

Trong thời kháng chiến chống Mỹ, ông tham gia trong Ban lãnh đạo Hội nhà văn Việt Nam, nhiều lần là sứ giả của văn hóa Việt Nam tham dự trên các diễn đàn văn hóa Quốc tế ở Liên Xô (cũ), Pháp, Nam Tư, ấn Độ, Na Uy, Thụy Điển… Ông cũng từng là đại biểu Quốc Hội bốn khóa liền (từ khóa IV đến khóa VII).

Sau ngày đất nước thống nhất ông chuyển hẳn vào sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Và ông vẫn cho ra đời nhiều tập thơ, trong đó có tập Hát theo mùa (1977), Hoa trên đá (1984); nhiều tập văn xuôi trong đó có Từ gác Khuê văn đến quán Trung tâm (1981), Ngoại vi thơ (1987).

Ông mất ngày 19-6-1989 tại bệnh viện Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh.

Tác phẩm thơ:

  • Điêu tàn (1937)
  • Gửi các anh (Hội nhà văn, 1955)
  • Ánh sáng và phù sa (Văn học, 1960)
  • Hoa ngày thường, chim báo bão (Văn học, 1967)
  • Những bài thơ đánh giặc (Thanh niên, 1972)
  • Đối thoại mới (Văn học, 1973)
  • Ngày vĩ đại (Văn học Giải phóng, 1976)
  • Hoa trước lăng người (Thanh niên, 1976)
  • Dải đất vùng trời (Quảng Bình, 1976)
  • Hái theo mùa (Tác phẩm mới, 1977)
  • Hoa trên đá (Văn học, 1984)
  • Ta gửi cho mình (Tác phẩm mới, 1986)
  • Di cảo thơ Chế Lan Viên (1992)

    • Bay theo đường dân tộc đang bay


      […]

      Xanh màu sứ điệp trùng
      Đỏ dòng sông nước xiết
      Trắng màu mây thiêm thiếp
      Trắng màu mây như không
      Trận chiến còn quyết liệt
      Bờ sú xanh mải miết
      Nên chim bay bay tiếp
      Bận lòng không bận lòng
      Mặc kẻ rơi nửa chừng
      Cho kẻ rơi nửa chừng
      Mặc những người giã biệt
      Cho những người giã biệt
      Khi vang lừng gió rét
      Đổi hình bay ngang sông

    • Con hỏi cha


      Con hỏi cha: “Bom có giết chết mèo?”
      “Có. Khi xuống hầm, con hãy nhớ mang theo.”
      Con lại hỏi: “Bom có giết thỏ cao-su và ngựa gỗ?”
      Ôi! Đồ chơi trẻ bao lần hoen máu đỏ!
      Con hỏi cha: “Bom có giết mẹ không?”
      “Không.” Và cha ôm con, nước mắt lưng tròng!
      Con lại hỏi: “Bom có thể giết chết con không đấy?”
      Đừng có hỏi, con ơi, đừng có hỏi,
      Để ngày mai cha ra trận cho con.

    • Khoảng cách


      Khi em xoay lưng lại với anh
      Hai đứa cách nhau một vòng quay trái đất
      Khi hai đứa mắt đã soi trong mắt
      Thì không gian còn khoảng cách nào đâu

    • Các mùa hoa


      […]

      Nhớ từ mùa hoa trong vườn mẹ
      Lúc ấy là mai hay đào ?
      Lại nhớ mùa hoa xoan xứ Huế
      Màu ngọc hồng trong chiêm bao…

      Thôi cho ta khỏi đếm từng mùa hoa một
      Ta có còn nó đâu ?
      Không phải hoa khuất mà ta khuất
      Ta đi vào xứ không màu.

      […]

    • Trừ đi


      Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
      Có phải tôi viết đâu? Một nửa
      Cái cần viết vào thơ, tôi đã giết đi rồi!
      Giết một tiếng đau, giết một tiếng cười,
      Giết một kỷ niệm, giết một ước mơ,
      Tôi giết cái cánh sắp bay…trước khi tôi viết
      Tôi giết bão táp ngoài khơi cho được yên ổn trên bờ
      Và giết luôn mặt trời trên biển,
      Giết mưa và giết cả cỏ mọc trong mưa luôn thể
      Cho nên câu thơ tôi gày còm như thế
      Tôi viết bằng xương thôi, không có thịt của mình.
      Và thơ này rơi đến tay anh
      Anh bảo đấy là tôi?
      Không phải!
      Nhưng cũng chính là tôi – người có lỗi!
      Ðã giết đi bao nhiêu cái
      Có khi không có tội như mình!

    • Thời thượng


      Chả còn ai yêu vầng trăng và hương lúa ngoài đồng
      Yêu bà Tiên hay đám mây trên lầu Hoàng hạc
      Giờ là thế giới của xe cúp, tivi, phim màu ngũ sắc
      Của quyền lực, tuổi tên, đốp chát…
      Vị trí nhà thơ như rác đổ thùng!

      Chả ai nhớ bà mẹ cắm chông bạc tóc
      Nhớ một cô gái chèo đò vượt lửa qua sông.

    • Nhà không trần


      […]

      Chung quanh bọn tham ô
      Xây biệt thự lớn, nhỏ
      Còn lên lớp cho thơ:
      “Cần chịu đựng gian khổ” (!)

      Sáng, ta viết ngoài sân
      Nhờ cây cho bóng mát
      Trưa, ăn cơm dưới thềm
      Mồ hôi có gió quạt

      Dầu vậy vẫn khoái trí
      Được nhiều người cực hơn
      Khen: “Anh mà còn thế,
      Việc quái gì em buồn”.

    • Cờ


      […]

      Nó là khách quan, nó là tai ương
      Nó là hạnh phúc, nó là văn chương
      Nó là bóng em, nó là bóng anh
      Nó chả là gì, nó là tất cả
      Ôi, bạn bè anh đâu cả?
      Để anh chơi chỉ có một mình!