Thica.net

Mạng thi ca Việt Nam

Trang thơ Đinh Hùng

Đinh Hùng

Đinh Hùng sinh ngày 3 tháng 7 năm 1920 tại làng Phượng Dực tỉnh Hà Đông (nay thuộc Thủ đô Hà Nội), là con út cụ Hàn Phụng (tên Phụng, chức Hàn lâm thị độc). Thuở nhỏ ông theo bậc tiểu học tại trường Sinh Từ, rồi bậc trung học tại trường Bưởi (Hà Nội).

Sau khi đậu “cao đẳng tiểu học” hạng bình thứ và được học bổng theo ban chuyên khoa để thi tú tài bản xứ thì “thần Ái tình đã hiện đến cùng một lúc với sự thành công đầy hứa hẹn trên” (theo lời kể của Vũ Hoàng Chương), khiến ông bỏ ngang đi viết văn, làm thơ.

Năm 1931, người chị thứ ba của ông tên Tuyết Hồng đã tự vẫn tại hồ Trúc Bạch vì hờn giận tình duyên. Mấy tháng sau cha ông cũng qua đời khi chưa đến tuổi 50. Ba năm sau, người chị lớn nhất của ông cũng chết trẻ. Năm 1943, Đinh Hùng theo sống với chị là bà Thục Oanh. Cũng năm này, ông cho xuất bản tập văn xuôi Đám ma tôi và đăng thơ trên Hà Nội tân văn của Vũ Ngọc Phan, Giai phẩm Đời Nay của nhóm Tự Lực văn đoàn… Nhưng ông thật sự bắt đầu nổi tiếng với bài thơ Kỳ Nữ mà Thế Lữ chọn in trong truyện Trại Bồ Tùng Linh.

Năm 1944, Vũ Hoàng Chương cưới Thục Oanh rồi về Nam Định, Đinh Hùng ở lại Hà Nội và cho ra đời giai phẩm Dạ Đài, với sự cộng tác của một số bạn như Trần Dần, Trần Mai Châu, Vũ Hoàng Địch… Cũng trong năm này, Đinh Hùng tản cư theo báo Cứu Quốc. Sau đó, ông về Thái Bình dạy học cùng người vợ mới cưới là bà Nguyễn Thị Thanh. Khi ấy, Vũ Hoàng Chương và vợ cũng đang tản cư về ở nơi đó.

Năm 1949, Đinh Hùng cùng vợ con trở lại Hà Nội. Tại đây ông cho ấn hành giai phẩm Kinh Đô văn nghệ (1952) và tập thơ Mê hồn ca (1954).

Tháng 8 năm 1954, ông cùng vợ con vào Sài Gòn, lập ra tờ nhật báo Tự Do với sự cộng tác của Tam Lang, Mặc Đỗ, Mặc Thu, Như Phong… Năm 1955, nhật báo trên đình bản, ông cộng tác với Đài phát thanh Sài Gòn, giữ mục Tao Đàn, chuyên về thơ ca, cho đến khi qua đời.

Trong những năm tháng ở Sài Gòn, Đinh Hùng viết tiểu thuyết dã sử Cô gái Gò Ôn khâu, Người đao phủ thành Đại La và làm thơ trào phúng trên báo Tự Do, báo Ngôn Luận. Năm 1961, ông cho in tập Đường vào tình sử (tác phẩm này được trao giải thưởng Văn chương về thi ca năm 1962).

Năm 1962, ông cho ra tuần báo Tao Đàn thi nhân, nhưng mới phát hành được 2 số thì ông mất lúc 5 giờ sáng ngày 24 tháng 8 năm 1967 tại bệnh viện Bình Dân, Sài Gòn, vì bệnh ung thư gan.

Sau khi ông mất, nhà xuất bản Giao điểm cho phát hành tác phẩm Ngày đó có em vào ngày 16 tháng 10 năm 1967.

Ngoài những tác phẩm trên, Đinh Hùng còn có 8 tác phẩm chưa xuất bản: Tiếng ca bộ lạc (thơ), Tiếng ca đầu súng (hồi ký), Dạ lan hương (văn xuôi), Sử giả (tùy bút), Vần điệu giao tình (cảo luận) và ba kịch thơ: Lạc lối trần gian, Phan Thanh Giản, Cánh tay hào kiệt.


  • Hờn giận


    [..]

    Anh tiễn em sang giấc mộng nào?
    Giận lây tà áo cưới chiêm bao.
    Lời nguyền không buộc vào mây sớm,
    Em có nghe tình khóc dưới sao?

    Em đến, trăng rằm xanh bóng mây,
    Em đi, trăng hờn cong nét mày.
    Chiều qua, má hồng còn thơ ngây,
    Chiều nay, hàng mi sương xuống đầy
    Thương nhau, gói trọn hồn trong áo,
    Mất nhau từ trong tà lụa bay.

    […]

  • Thần tụng


    […]

    Ta gọi hồn chơi vơi ngọn lửa,
    Ta cầu hồn nức nở bài kinh,
    Tỏ mờ trong cõi U minh,
    Nghe ta Hồn hỡi có linh thời về!
    Mắc sinh tử, ước thề khó diệt,
    Tàn thịt xương, mệnh kiếp khôn soi.
    Về đây! Từ Cửu-Trùng-Đài,
    Gió âm ty lạnh hình hài thế gian.
    Hồn sầu bên cửa dung nhan,
    Ta thiêu thể phách giải oan hồn về.
    Thơ huyền diệu bốn bề khói toả,
    Nhạc dị kỳ vạn ngả Sao rơi,
    Về đây, Hồn hỡi! Hồn ơi!
    Tâm hương một nén muôn đời không tan…

  • Bài ca man rợ


    […]

    Ta đi tìm người thiếu nữ ngày xưa.
    Nàng không mong, ta đi đến không ngờ,
    Giây phút ấy thực mắt nhìn tận mắt.
    Ta cười mỉm, bỗng thấy nàng che mặt,
    Ta giơ tay, nàng khiếp sợ lùi xa,
    Ta lại điên rồ, đau đớn, xót xa.
    Trong cô độc, thấy tình thương cũng mất.

    […]

    Ta lảo đảo vùng đứng lên cười ngất,
    Ghì chặt nàng cho chết giữa mê ly,
    Rồi giày xéo lên sông núi đô kỳ,
    Bên thành quách ta ra tay tàn phá.
    Giữa hoang loạn của lâu đài, đình tạ,
    Ta thản nhiên, đi trở lại núi rừng.
    Một mặt trời đẫm máu xuống sau lưng.

    […]

    Sau trái cô sơn, ngày lại ngày,
    Hồn kinh kỳ hiện dưới chân mây.
    Đôi tay vò xé loài hoang thảo,
    Đỏ máu căm hờn trên cỏ cây.
    Rồi những đêm sâu bỗng hiện về,
    Vượn lâm tuyền khóc rợn trăng khuya.
    Đâu đây u uất hồn sơ cổ,
    Từng bóng ma rừng theo bước đi.
    Ta đến sườn non rẽ cỏ gai
    Sống đây ghi trước mảnh di hài,
    Lẫn trong kiến trúc tòa vân thạch,
    Hồn cổ ngồi chung, mộng vắn dài.

    […]

  • Đường khuya trở bước


    Tôi đến đêm xưa, Em vắng nhà,
    Trăng vàng, mây bạc, sầu như hoa.
    Tôi từ viễn phố rời chân lại,
    Chỉ thấy sương nhiều như lệ sa.

    Ở cũng bâng khuâng, đi chẳng đành,
    Đêm trời, sao cũ sáng long lanh.
    Lòng ta ngẫm truyện mười phương vậy:
    Người gái khuê phòng kia mắt xanh?

    Tôi cũng chưa đi hết dặm đường,
    Đời dài, mới đến nửa sầu thương.
    Một đêm trở bước cho lòng nghĩ,
    Sao biếc rơi tàn mộng phấn hương.

  • Ác mộng


    […]

    Ta quên hết! Ta sẽ làm Bạo Chúa,
    Sống nghìn năm ngự trị một lòng em.
    Cuộc ân tình ghê rợn suốt muôn đêm
    Nào ai tiếc thương gì thân mỹ nữ!
    Tay mỏi ôm sẽ dày vò nhung lụa,
    Phấn hương nhàu, tan tác áo xiêm bay
    Ta bắt em cười, nói, bắt em say,
    Ta đòi lấy mảnh linh hồn bỡ ngỡ.
    Ôi! ly rượu em dâng toàn huyết đỏ,
    Ta uống cùng dòng lệ chảy đêm xưa,

    […]