Thica.net

Mạng thi ca Việt Nam

Trang thơ Hoàng Anh Tuấn

Hoàng Anh Tuấn

Hoàng Anh Tuấn sinh ngày 7 tháng 5 năm 1932 tại Phố Nhà Chung, Hà Nội trong một gia đình năm anh em mà ông là con trai cả và duy nhất. Thuở nhỏ ông theo học tại trường dòng Puginier ở Hà Nội, một trường đạo nổi tiếng là kỷ luật và nghiêm khắc. Năm 1943 khi phi cơ Nhật bắt dầu dội bom Hà Nội, ông cùng gia đình chạy loạn về Hưng Yên, theo học trường Đỗ Hữu Vị, nguyên là ngôi trường ở Hà Nội di tản về Hưng Yên. Sau này trường lại chuyển về Hà Nội, đổi tên là Nguyễn Trãi. Gia đình Hoàng Anh Tuấn lúc ấy dọn về Phố Tây Tuyên Quang, nay là phố Cao Bá Quát.

Trong phong trào kháng Pháp, Hoàng Anh Tuấn tuy còn nhỏ cũng ra khu và học trường trung học Nguyễn Huệ, tại làng Sêu, thuộc Khu 3 gần Hà Nội và tham gia toán du kích Đống Đa. Được một thời gian do có tư tưởng tự do nên bị trù dập, ông bỏ mộng đi kháng chiến, trốn về Hà Nội. Vào trường Dũng Lạc, Hoàng Anh Tuấn gặp họa sĩ Duy Thanh, có bạn bè bắt đầu làm thơ văn. Năm 14 tuổi, Hoàng Anh Tuấn có bài thơ lần đầu tiên đăng trên báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy của Nhà xuất bản Tân Dân, Hà Nội.

Năm 16 tuổi Hoàng Anh Tuấn được gia đình gửi sang Pháp du học tại một trường tư thục ở Nice. Được một năm, ông tình cờ gặp Nguyên Sa Trần Bích Lan từ Paris về nghỉ hè ở Nice và theo Nguyên Sa bỏ nhà đi Paris bụi đời. Sau đó Hoàng Anh Tuấn theo học tiếp tại Provence, nửa chừng lại bỏ vào IDHEC, một trường điện ảnh khá nổi tiếng ở Paris.

Năm 1954, Hoàng Anh Tuấn kết hôn với bà Ngô Thị Liên lúc ấy là một sinh viên dược khoa tại Paris. Ông bà sinh được sáu người con, hai trai, bốn gái hiện sinh sống tại Santa Ana, Washington DC, Dallas và Houston.

Năm 1958, Hoàng Anh Tuấn về Sài Gòn, làm đạo diễn cho hãng phim Alpha của Thái Thúc Nha. Ít lâu sau ông chuyển sang làm báo cho các tờ Nhật báo Hiện Đại, Đồng Nai và Tiền Tuyến.

Năm 1965, tình hình chính trị tại miền Nam bắt đầu bất ổn, Hoàng Anh Tuấn nhận phụ trách điều hành Đài phát thanh Đà Lạt, trong khi vợ ông dạy tại trường Trung Học Yersin. Gia đình ông sống ở Đà Lạt gần mười năm cho tới năm 1974 mới về lại Sài Gòn.

Hoàng Anh Tuấn được coi như người nghệ sĩ “bá nghệ”. Về kịch, ông là tác giả nhiều vở được trình diễn tại sân khấu miền Nam trong đó hai vở kịch nổi tiếng nhất của ông là Hà Nội 48 Ly nước lọc. Về điện ảnh, ông là đạo diễn của hai phim Xa lộ không đèn Nghìn năm mây bay.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông bị tập trung cải tạo trong “diện văn nghệ sĩ phản động” tại trại Phan Đăng Lưu, cùng với các nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh, Hoàng Hải Thủy… Hai năm sau, Hoàng Anh Tuấn ra tù và sống ở Sài Gòn hai năm nữa với tình trạng rất khó khăn, đen tối trong khi toàn miền Nam còn đi cải tạo chưa về, nhưng may mắn sau đó chính phủ Pháp đã can thiệp cho ông cùng gia đình sang Paris. Tuy đã sinh sống ở Pháp trong một thời gian khá dài, sau đó ông lại chọn di cư sang Hoa Kỳ năm 1981 với sự bảo lãnh của Hoàng Hôn Thắm, con gái ông, đã rời việt Nam từ năm 1975.

Ban đầu Hoàng Anh Tuấn về định cư tại tiểu bang Ohio, rồi về Westminster, California tham gia làm báo với Du Miên khoảng hai năm. Sau đó, ông về Washington DC đầu quân với Nguyễn Thanh Hoàng làm thư ký tòa soạn tờ Văn Nghệ Tiền Phong trong một năm.

Mười năm cuối đời Hoàng Anh Tuấn sống tại San Jose, vẫn làm thơ dù sức khỏe suy giảm nhiều. Đầu năm 2004, ông ra mắt tập thơ Yêu em, Hà Nội và những bài thơ khác do con gái thứ là Thu Thuyền dày công sưu tập lại. Sau thời gian này, ông nằm hẳn trong bệnh viện cho tới khi mất vào ngày 1 tháng 9 năm 2006, hưởng thọ 75 tuổi.


  • Ánh mắt


    […]

    Búp tay nhỏ hái chùm sương mát lạnh
    Sao anh nghe nín thở cả đôi vai
    Từ mờ xa chưa tới cửa ngày mai
    Những thao thức đã về trong chới với
    Anh ngơ ngác đếm cô đơn từng sợi
    Sợi nửa đêm che sợi úa trăng sao
    Vùng tóc thùy dương lẫn chút mòn hao
    Nên rộn rã tạm lui vào nín lặng
    Ánh mắt đẹp như mùa thu khép nắng
    Tiếng lục huyền cầm gợn sóng pha lê
    Tóc buông dài nên mát lối đam mê
    Xin âu yếm hãy khoan đừng hé nụ
    Xin giọng hát hãy khoan đừng rực rỡ
    Cho ngày sau tình sử ngát trầm hương
    Để khách giang hồ đêm lạnh tha phương
    Mở trang sách nghe bàn tay sưởi ấm

    […]

  • Mưa Sài Gòn, mưa Hà Nội


    […]

    Mưa ngày nay
    Như lệ khóc phần đất quê hương tù đày
    Em ngoài ấy còn nhớ hẹn xưa miệt mài
    Giăng mắc heo may
    Sầu rơi ướt vai
    Hồn quê tê tái
    Mưa mùa thu
    Năm cửa ô sầu hắt hiu trong ngục tù
    Tủi thân nhớ bao ngày qua
    Mưa ngùi thương nhòa trên dòng sông Hồng Hà
    Liễu sầu úa thềm cũ nằm mơ hiền hòa
    Đau lòng Tháp Rùa
    Thê Húc bơ vơ
    Thành đô xác xơ

    […]

  • Khi em nói


    […]

    Khi em nói bằng móng tay mười chiếc
    Anh nghe đau mười dấu vết hoài nghi
    Đáy bình an choàng thức tỉnh đam mê
    Như thuở bé gợn hôn đầu tê buốt

    Tay vụng dại bỗng mềm như dáng lược
    Tóc em màu chải ngược gió về khuya
    Khuôn mặt em nghiêng lệch đón môi kề
    Mi mắt lả trong âm thầm khép lại

    […]

  • Bài thơ Hà Nội


    […]

    Thương những buổi chiều Bác Cổ ngày xưa
    Anh nắn nót một Trường Thi lãng mạn
    Thơ thuở bé khắc ghi tình Ngõ Trạm
    Hàng Cỏ ơi, nét thảo có mờ phai
    Theo gót chân em từng bước Hàng Hài
    Yêu Hàng Lược chải mềm hương mái tóc
    Thương dĩ vãng chiều Cổ Ngư trốn học
    Hồn ngây ngô theo điệp khúc Hàng Đàn
    Hàng Guốc trưa hè gõ nhịp bình an
    Khi Hàng Nón quay nghiêng che mắt thỏ
    Anh lúng túng cả Đồng Xuân xấu hổ
    Gió mơn man Hàng Quạt, áo đong đưa
    Đây Hàng Khay anh đưa tặng bài thơ
    Em hốt hoảng chợ Hôm vừa tắt nắng

    […]

  • Em về, Hà Nội


    […]

    Hà Nội yêu, áo lụa ngà óng ả
    Thoáng khăn san nũng nịu với heo may
    Năm ngón tay nhón một trái ô mai
    Chiếc răng khểnh xinh nụ cười cam thảo

    Hà Nội yêu, mối tình đầu khờ khạo
    Em nhận thư, anh ngây ngất tủi mừng
    Khi về nhà, cười nụ với cầu thang
    Một tuần lễ, vui như ngày thi đỗ

    Hà Nội yêu, cốm Vòng đơm gió nhỏ
    Nên mùa Thu kín đáo khép tà mây
    Ván giải gianh, có một lúc bàn tay
    Vơ nắm sỏi với lòng anh hồi hộp

    […]

  • Bài thơ còn lại


    […]

    Em cúi đầu và lặng lẽ bước đi
    Từ hôm ấy cửa nhà anh bỏ ngỏ
    Bước rất nhẹ như hường qua sắc đỏ
    Như màu trời len lén bước vào xanh
    Như thời gian vò nát lá thư tình
    Bước rất nhẹ như vẫn còn đứng lại
    Bước rất nhẹ như mùa Thu con gái
    Như bàn tay khẽ hái tiếng đàn tranh
    Như chưa lần nào em nói: yêu anh
    Như mãi mãi anh còn nguyên thương nhớ
    Bước nhè nhẹ như bóp mềm hơi thở
    Như ngập ngừng chưa nỡ xé chiêm bao
    Em có về ăn cưới những vì sao
    Để chân bước trên giòng sông loáng bạc
    Ở một chỗ tưởng chừng như đi lạc
    Yêu một người mà cảm thấy mênh mông
    Em đi ngang nhịp bước có lạnh lùng
    Mà sao vẫn y nguyên bài thơ cũ?

    […]