Thica.net

Mạng thi ca Việt Nam

Trang thơ Phùng Cung

Phùng Cung

Nhà thơ Phùng Cung sinh ngày 18 tháng 7 năm 1928 tại làng Kim Lân, xã Hồng Châu, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Yên (nay là Vĩnh Phúc), quê gốc ở xã Cam Lâm, quận Đường Lâm, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây. Họ Phùng ở Cam Lâm thuộc dòng dõi Bố cái Đại vương Phùng Hưng.

Là con trưởng một gia đình giàu có, đông con, Phùng Cung được gửi đi trọ học ở thị xã Sơn Tây, có bằng Trung học (Brevet). Tháng 4/1945, Nhật đảo chính Pháp, Phùng Cung trở lại quê nhà. Tháng 9/1945, Phùng Cung khi ấy mới 17 tuổi, đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy cướp chính quyền, được bầu làm chủ tịch liên xã Hồng Liên Châu. Tên xã do ông đặt và tên ấy vẫn còn giữ đến ngày nay. Phùng Cung làm chủ tịch xã được 2 năm. Đến tháng 10/1947, Pháp chiếm Tông và Sơn Tây, Phùng Cung chạy lên Việt Bắc cùng mấy anh em trai. Tại đây ông tham gia công tác văn nghệ. Ở quê nhà, gia đình ông bị liên lụy vì có con đi làm cách mạng.

Năm 1954, Thủ đô Hà Nội giải phóng, ông về sống tại Hà Nội và họat động văn nghệ. Trong thời kỳ Cải cách ruộng đất, gia đình ông bị quy vào thành phần địa chủ cường hào. Cha ông bị đem ra đấu tố, rồi bị đưa lên giam giữ ở trại Cò Nỉ – Thái Nguyên. Khi ấy, Phùng Cung đang làm việc trong cơ quan văn nghệ kháng chiến ở Tuyên Quang.

Năm 1956, do tham gia phong trào Nhân văn Giai phẩm với truyện ngắn Con ngựa già của chúa Trịnh đăng trên báo Nhân văn số 4, ông bị kỷ luật, tham gia lớp chỉnh huấn ở Thái Hà ấp. Trong suốt thời gian từ tháng 2/58 (bắt đầu lớp Thái Hà) đến tháng 5/61, khi ông bị bắt, trong hơn ba năm, Phùng Cung vẫn sáng tác đều và không hề nhụt tay trong việc lên án những bất cập của chế độ.

Tháng 5/1961 công an đến nhà bắt Phùng Cung. Ông bị tịch thu tất cả bản thảo và bị giam vào Hỏa Lò Hà Nội, rồi bị chuyển đi các trại Bất Bạt (Sơn Tây), Yên Bình (Yên Bái) và Phong Quang (Lào Cai), bị tù 12 năm, với 11 năm biệt giam, không có án. Suốt trong thời gian bị biệt giam, Phùng Cung bị lao nặng và nhiều bệnh trầm kha khác. Khi được phóng thích ông vẫn bị quản chế rất chặt tại địa phương.

Tháng 11/1972 ông được tha về, làm nghề thợ đinh trong những ngày tháng còn lại. Ông vẫn âm thầm sáng tác, vẫn bị công an đến thăm dò và kiểm soát. Ông phải chép bản thảo làm nhiều bản gửi nhiều nơi.

Lần đầu tiên tác phẩm của Phùng Cung xuất hiện trở lại sau thời gian ông bị tù đày, là trên báo Sông Hương ở Huế năm 1988, với các bài thơ Nghiêng lụy, Bèo, Người làng, Chiếc lá rụng, Cô lái đò. Tập thơ Xem đêm gồm 200 bài thơ của ông được nhà nước cho phép xuất bản vào năm 1995 (NXB Văn hóa Thông tin). Việc xuất bản tập thơ này có sự giúp đỡ không nhỏ của Phùng Quán và Nguyễn Hữu Đang là những bạn trong nhóm Nhân văn giai phẩm với ông.

Phùng Cung mất ngày 9/5/1998 tại Hà Nội.

Tác phẩm chính:

  • Dạ ký (truyện ngắn)
  • Mộ phách (truyện ngắn)
  • Kép Nghề (truyện ngắn)
  • Chiếc mũ lông (truyện ngắn)
  • Quản thổi (truyện ngắn)
  • Xem đêm (thơ)
  • Phùng Cung – truyện và thơ (in tại hải ngoại năm 2003, NXB Văn nghệ, gồm tập thơ Trăng ngục viết trong thời gian ở tù và 11 truyện ngắn).

    • Vấn vương


      […]

      Thiên cung ngày trước mải vui
      Hái hoa vườn cấm nên trời phạt ta
      Đầu xanh rời bến Ngân hà
      Xuôi thuyền đi trả nợ hoa dưới trần
      Chúa xuân ơi! Hỡi chúa xuân!
      Biết tin ta phải về trần hay chưa?

      ***

      Trách lòng quên lỗi lầm xưa
      Lại trao vàng gấm bên chùa Nhật Chiêu
      Cánh thiêng vướng mãi lưới điều
      Làm cho nợ sớm nợ chiều với hoa

      […]

    • Quê hương


      […]

      Năm tận tháng cùng
      To nhỏ hàn ôn
      Trên từng đốt ngón tay
      Để đèn chiều xao động
      Lòng thành vụng trộm hành hương
      Tranh thủ phút giây
      Nhớ người thiên cổ
      Kho thiêng rạn vỡ
      Tiếng Gia tiên
      Rầu rĩ dưới mồ
      Những lúc chim về
      Tím lịm chân mây
      Ai liều tảo mộ chiều nay
      Mà hương tảo mộ bay đầy hoàng hôn

      […]

    • Đất nước


      Đất nước ơi
      Tôi mến người
      Như khi nhìn em bé ngủ
      Tôi thương người
      Như thương mẹ ốm
      Vì đâu
      Người khoác manh áo đỏ
      Thừa sai – cũn cỡn
      Tủi nhục tháng ngày
      Long đong chiều sớm
      Ôi! có bao giờ
      Người đau đớn như thế này không.

    • Thu xa


      […]

      Quan hà lộng gió chinh phu
      Rừng thu tắm máu
      Máu thu gội chiều
      Tơ vàng nhỏ giọt lệ điều
      Đăm đăm tay vẫn chiều chiều quay xa
      Xa quay nhẹ
      Làn tơ vẫn đứt
      Em hỏi lòng
      Tơ đứt vì đâu
      Sông ngân lỡ bắc nhịp cầu

      […]

    • Lỡ xanh


      Giọt nhớ ướt đằm nỗi nhớ
      Luống cải vườn xưa
      Đã lỡ xanh!…
      Tay vịn đêm
      Đầy mùi xa vắng
      Nghe xóm nói
      Em đi lấy chồng xa nghèo lắm
      Có một lần về
      Nhắn hỏi thăm anh.

    • Trăng hạ tuần


      Trăng hạ tuần
      Sà xuống đầu sông
      Xem – vắng
      Đôi bờ im ắng
      Không thấy người
      Sao có bóng người trôi
      Mây gót bãi bệch – màu – cá chết.