Thica.net

Mạng thi ca Việt Nam

Trang thơ Nguyễn Đức Sơn

Nguyễn Đức Sơn

Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn sinh ngày 18 tháng 11 năm 1937 tại làng Dư Khánh, huyện Thanh Hải tỉnh Ninh Thuận, quê gốc ở Thừa Thiên Huế.

Nguyễn Ðức Sơn bắt đầu làm thơ rất sớm với với bút hiệu Sao Trên Rừng. Ông được coi là một người có cá tính đặc biệt. Từ khi tuổi trẻ thơ ông đã chớm hoài nghi, đã thắc mắc về những câu hỏi đầy tính siêu hình. Nguyễn Đức Sơn cùng với Bùi GiángPhạm Công Thiện được coi là ba kỳ nhân nổi danh về tài năng và sự quái dị trong làng văn nghệ miền Nam trước 1975. Ông cũng được xem là một trong tứ trụ thi ca của miền Nam, ba người còn lại là Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên.

Nguyễn Đức Sơn đã từng theo học tại Đại học Văn khoa Sài Gòn nhưng nửa chừng bỏ học. Trong lý lịch trích ngang trong tập thơ Những bài tình đầu, ông viết: “Sống vô gia cư, chết vô địa táng” và tuyên bố: “Nếu trường Đại học Văn khoa Sài Gòn sản sinh ra được một nhà văn nhà thơ nổi tiếng tôi xin chịu chặt đầu.”

Ông ở nhiều nơi Phan Rang, Sài Gòn, Thủ Dầu Một – Bình Dương, Blao – Lâm Đồng và sinh sống bằng nghề dạy học ngoại ngữ.

Năm 1967 Nguyễn Đức Sơn lấy bà Nguyễn Thị Phượng. Đám cưới được tổ chức tại chùa Tây Tạng, Thủ Dầu Một – Bình Dương. Ông bà sinh được 9 người con. Năm 1979, ông đưa gia đình rời bỏ chốn phồn hoa đô thị chuyển lên ngọn núi Phương Bối, Lâm Đồng để sống một cuộc sống thanh tịnh. Đến nay gia đình ông vẫn sống ở đó.

Nguyễn Đức Sơn nổi tiếng là lão thi sĩ vạn thông do ông đã trồng tới hàng vạn cây thông trên ngọn đồi Phương Bối rộng tới hàng chục hec-ta. Ông còn có biệt danh Sơn Núi.

Một số tác phẩm tiêu biểu:

  • Bọt nước (Thơ, Mặt Đất xuất bản, Sài Gòn 1965)
  • Hoa cô độc (Thơ, Mặt Đất xuất bản, Sài Gòn 1965)
  • Lời ru (Thơ, Mặt Đất xuất bản, Sài Gòn 1966)
  • Đêm nguyệt động (Thơ, An Tiêm xuất bản, Sài Gòn 1967)
  • Cát bụi mệt mỏi (Truyện ngắn, 1968)
  • Cái chuồng khỉ (Truyện ngắn, 1969)
  • Xóm chuồng ngựa (Truyện ngắn, 1971)
  • Vọng (Thơ, An Tiêm xuất bản, Sài Gòn 1971)
  • Tịnh Khẩu (Thơ, An Tiêm xuất bản, Sài Gòn 1973)