Thica.net

Mạng thi ca Việt Nam

Trang thơ Quang Dũng

Quang Dũng

Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Diệm, sinh tại làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng tỉnh Sơn Tây (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Sau khi học Trường sư phạm tại Hà Nội, ông làm nhạc công gánh hát rong và làm gia sư tại Hà Nội. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp ông chiến đấu trên hai mặt trận: vừa là người cầm bút nhưng cũng vừa là người cầm súng chiến đấu. Năm 1947 ông từng là đại đội trưởng của Trung Đoàn Thủ Đô. Ông cũng hoạt động văn nghệ ở Liên Khu III thời kháng chiến, từng là trưởng phòng văn nghệ Liên khu.

Ông đã viết rất nhiều truyện ngắn xuất bản và viết kịch, cũng như đã triển lãm tranh sơn dầu cùng với các họa sĩ nổi danh. Ông sáng tác nhạc, bài Ba Vì của ông đã nổi tiếng ở trong khu kháng chiến.

Sau 1954, ông làm biên tập viên tại báo Văn nghệ, rồi chuyển về Nhà xuất bản Văn học.

Ông bị gửi đi chỉnh huấn sau vụ Nhân Văn – Giai Phẩm, và lui về ẩn thân trong nghèo nàn và bệnh tật. Thơ của ông bị phê bình trên báo chí miền Bắc lúc đó là mang hơi hướng “tiểu tư sản”, thiếu tính chiến đấu, còn ở miền Nam thì được xuất bản và phổ biến rộng rãi. Về sau này, như những nhà thơ lớn khác Nguyễn Bính, Hồ Dzếnh… ông mai một và mất đi trong âm thầm.

Ông mất ngày 13 tháng 10 năm 1988 tại bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội.

Ông là người tài hoa, vẽ tài, hát giỏi, thơ hay. Bài thơ Tây Tiến của ông mang đậm nét hào hùng, bi tráng pha chất lãng mạn được chọn vào giảng dạy trong giáo trình trung học phổ thông. Một số bài thơ của ông đã được phổ nhạc như Tây Tiến (Phạm Duy phổ nhạc), Đôi mắt người Sơn Tây (Phạm Đình Chương phổ từ hai bài thơ Đôi bờMắt người Sơn Tây), Kẻ Ở (Cung Tiến phổ nhạc). Đặc biệt bài thơ Không đề được đến 3 nhạc sĩ Việt Dzũng, Phạm Trọng Cầu, Khúc Dương cùng phổ nhạc.

Các bài thơ nổi tiếng:

  • Đôi bờ
  • Mắt người Sơn Tây
  • Quán bên đường
  • Tây Tiến
  • Lính râu ria
  • Tác phẩm đã xuất bản:

  • Mùa hoa gạo (1950)
  • Bài thơ sông Hồng (1956)
  • Đường lên châu Thuận (1964)
  • Làng Đồi đánh giặc (1976)
  • Mây đầu ô (1986)
  • Quang Dũng – Tác phẩm chọn lọc (1988)

    • Mưa


      […]

      Càng mưa phùn gió lạnh
      Càng lạnh cành hoa mơ
      Càng yêu màu trấn thủ
      Mờ bạc qua màn mưa
      Ôi những bàn chân nhỏ
      Từng đau khổ bao giờ
      Ðường tản cư lầy lội
      Run run leo cầu tre
      Trời mưa giăng màn xám
      Màu thê lương lại về
      Hoa mai dầu nở trắng
      Người người còn ra đi

      […]

    • Hai bài thơ tình


      […]

      Chiều ấy em về thương nhớ ai?
      Tôi chắc đường đi đã rất dài
      Tim tím chiều hôm lên bóng núi
      Dọc đường mờ những cánh hoa phai

      Một chút linh hồn nhỏ
      Đi về chân núi xanh
      Màu tím chiều chầm chậm
      Hoàng hôn nghe một mình

      […]

    • Thu


      […]

      Nhẹ tóc khô da hồn trong xanh
      Rộng vời tầm mắt dáng vàng hanh
      Nghe nhạc muôn đời trong gió lá
      Vào thu khói biếc đã xây thành

      Long lanh bóng núi in sông biếc
      Buồn nhớ thương ai lòng hiu hiu?
      Quạnh quẽ sắn nương rờn nắng ấm
      Ngõ trúc người ơi! Tịch mịch chiều!

      Diều sáo vang không hồn ấu thơ
      Bèo lạnh cầu ao ai đợi chờ?
      Một tiếng sung rơi đo lặng lẽ
      Mùa thu xào xạc lá tre khô.

    • Hồng Phú Châu Giang


      […]

      Hồng Phú, những cô hàng tạp hóa
      Mắt đẹp nhìn bâng khuâng
      Những tốp người quân phục
      Chiều kéo từ đâu qua
      Lối qua Hồng Phú xưa
      Sắt đường tàu hoen gỉ
      Tà-vẹt rào vườn rau
      Cỏ dại xương rồng
      Mọc lên rậm rạp
      Lấn đường xe lửa bóc
      Đá từng đống
      Nằm thương dĩ vãng
      Nhớ đường dài vào Nam
      Những cánh buồm nâu
      Sớm chiều căng lướt sóng
      Liều mạng với tàu bay
      Sông Châu Giang
      Mỗi lúc nước đổ về
      Từng bè lớn bèo tây
      Hoa tím dập dềnh gió thu man mác.

      […]

    • Nhớ


      […]

      Người vào run sốt
      Giữa trưa đòi đắp chăn
      Mẹ già hối đun nước
      (Nhà uống nước lã quen)
      Lấy thêm chiếu đắp
      Kiếm thêm mền
      Mền nâu rách mướp
      Cháu mồ côi – cháu gái
      Mắt sáng long lanh đang tập đánh vần
      Tuổi em mười bốn chớm mùa xuân
      Muối vừng hương thơm ngậy
      Cua đồng canh rau đay
      Mâm cơm đến bữa

      […]

    • Đường trăng


      […]

      Đường ấy sao khuya đầm nước mắt
      Trong vời như ngọc, lá tre xanh
      Giếng làng còn ướt trăng trên đá
      Chim ngủ xôn xao động lá cành

      Là những đường đi qua ngõ trúc
      Mẹ già thao thức ngó qua phên
      Hành quân trong đám người đêm ấy
      Biết có con thương của mẹ hiền

      Là những đường trăng qua bến láng
      Hoa nhài thơm ngõ đượm quân trang
      Lớp này lớp khác người sang hết
      Thuyền lại nằm phơi dưới nguyệt vàng

      […]

    • Chabbi Chabbi


      […]

      Chabbi Chabbi
      Tuổi còn xanh, mắt còn tha thiết
      Có phải quê ở bờ sông Nin
      Hay là nơi trăng sáng
      Trên bãi cát dài bóng cây bao báp
      Trai gái nhảy bamboula
      Theo nhịp trống gợi hồn sa mạc
      Chabbi Chabbi
      Còn bao giờ qua biển
      Để về với đất trời bên ấy
      Hai mươi tuổi trẻ nằm đây
      Lòng đất Việt Nam hiền hậu

      Thôi những ai bên kia chân trời
      Đừng dành góc nhà nhỏ thân yêu
      Đừng mong bóng trang phục quân nhân
      Hiện về quê cũ
      Mang những tấm hình
      Những thành phố viễn chinh
      Về làm quà cho em nhỏ, họ hàng
      Hỡi mẹ nghèo ơi!
      Thôi cũng đừng mong
      Món tiền lương của Chabbi dành dụm
      Đổi bằng xương máu nằm đây

      […]