Thica.net

Mạng thi ca Việt Nam

Trang thơ Yến Lan

Yen Lan

Nhà thơ Yến Lan tên thật là Lâm Thanh Lang, còn có bút danh khác là Xuân Khai. Ông sinh ngày 2 tháng 3 năm 1916, quê tại thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông nội Yến Lan là nhà nho, thuộc dòng Minh Hương ở Phúc Kiến. Ông có con trai là nhà thơ Lâm Huy Nhuận.

Mồ côi mẹ năm 6 tuổi, Yến Lan sống bằng nghề dạy học tư và viết văn. Ông sáng tác thơ từ sớm và cùng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn hợp thành Bàn thành tứ hữu (bốn người bạn thơ đất Bình Định) nổi tiếng trên thi đàn lúc đó.

Sau Cách mạng tháng Tám, Yến Lan là Uỷ viên văn hoá Cứu quốc Bình Định từ năm 1947 đến 1949, Uỷ viên văn hoá kháng chiến Nam Trung Bộ, trưởng đoàn kịch Kháng chiến. Từ 1950 đến 1954 ông làm công tác văn hoá văn nghệ ở Bình Định. Sau 1954, Yến Lan tập kết ra Bắc, trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957, làm việc tại Nhà xuất bản Văn học và tham gia phong trào Nhân văn – Giai phẩm. Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, ông trở về công tác tại Hội văn nghệ Bình Định và mất tại đây ngày 5 tháng 10 năm 1998.

Ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.

Tác phẩm:

  • Bóng giai nhân (kịch thơ)
  • Gái Trữ La (kịch thơ, 1943)
  • Những ngọn đèn (thơ, 1957)
  • Tôi đến tôi yêu (thơ, 1965)
  • Lẵng hoa hồng (thơ, 1968)
  • Giữa hai chớp lửa (thơ, 1978)
  • Én đào (truyện thơ, 1979)
  • Thơ Yến Lan (thơ, 1987)
  • Cầm chân hoa (thơ tứ tuyệt, 1991)
  • Thơ tứ tuyệt (tuyển tập, 1996)

    • Bến My Lăng


      […]

      Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã,
      Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly
      Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả
      Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi.

      Ông lão vẫn say trăng, đầu gối sách,
      Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng.
      Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách
      Gọi đò thôi run rẩy cả ngàn trăng.

      Bến My Lăng còn lạnh, bến My Lăng!
      Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng.