Thica.net

Mạng thi ca Việt Nam

Trang thơ Thanh Nam

Thanh Nam

Nhà văn, nhà thơ Thanh Nam tên thật là Trần Đại Việt, sinh ngày 26 tháng 7 năm 1931, quê ở làng Mỹ Trọng, tỉnh Nam Định.

Ông là con một trong gia đình, có thân phụ là Tổng Giám thị trường Cao đẳng Kỹ thuật Hà Nội ngày trước. Vì cha ông có vợ bé, mẹ ông bỏ nhà sang Lào cùng người anh ruột, Thanh Nam thoát ly gia đình năm mới 9 tuổi, đến tá túc nhà người cô mà vì ân nghĩa và tình thương nên ông nhận là mẹ.

Năm 1946, mới 15 tuổi, Thanh Nam đã được tờ báo Thiếu Nhi tại Hà Nội đăng thơ và mời cộng tác. Ông cũng viết một số Sách hồng cho nhà xuất bản Văn Hồng Thịnh trong khi vừa làm phụ việc cho một hiệu sách, có cơ hội đọc nhiều, nên kiến thức rất rộng.

Ông chính thức bắt đầu viết vào năm 1950 khi 19 tuổi với bút hiệu Thanh Nam. Theo vợ ông là nữ văn sĩ Tuý Hồng trong bài viết trên tờ Văn Học số tháng 6 năm 1986, vì Hà Nội còn có tên Hà Thành, Nam Định có tên là Thành Nam, nên có lẽ ông lấy nguyên tên quê quán Thành Nam làm bút danh và sau đó bỏ bớt dấu huyền.

Thanh Nam vào Sài Gòn năm 1953, trước khi hiệp định Genève chia đôi Nam Bắc, và chỉ sau mấy tháng, mới 22 tuổi, được mời làm Tổng Thư ký báo Thẩm Mỹ, viết truyện ngắn, truyện dài, bình thơ độc giả, phụ trách nhiều mục khác như Phụ nữ Gia Đình, Gỡ Rối Tơ Lòng… và còn ký nhiều bút hiệu tên con gái như Sông Hương, Cô Hồng Ngọc, Bà Bách Lệ, Tôn nữ Đài Trang … và Thợ Cạo, được chính ông kể lại trong Hồi kí 20 năm viết văn làm báo, đăng dang dở trên tờ Văn do Mai Thảo chủ trương tại Santa Ana.

Năm 1960, ông cũng hợp tác với nguyệt san Hiện Đại do Nguyên SaThái Thủy chủ trương, và còn là Tổng Thư ký tuần báo Nghệ Thuật ở Sài Sòn, năm 1966 cũng viết bài trên tuần báo Kịch Ảnh.

Ông còn cùng Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Tô Kiều Ngân và nhiều văn nghệ sĩ khác phụ trách chương trình thơ nhạc Tao Đàn trên Đài Phát Thanh Sài Gòn, Đài Quân Đội, đặt lời ca cho một số nhạc phẩm, trong số đó có bản Suy tôn Tổng thống Ngô Đình Diệm. Thanh Nam còn cộng tác với nhiều nhật báo tại Sài Gòn qua nhiều loạt truyện dài viết theo kiểu feuilleton, được đông đảo độc giả yêu thích.

Ông lập gia đình cùng nhà văn Tuý Hồng tháng chạp năm 1966, có bốn con, một gái ba trai.

Gia đình Thanh Nam di tản sang Hoa Kỳ năm 1975, tạm cư tại New Jersey miền Đông Bắc rồi đến năm 1976 dời sang vùng Tây Bắc, định cư tại thành phố Seattle, tiểu bang Washington. Ông cộng tác với tờ Đất Mới, một trong vài tờ báo Việt ngữ đầu tiên xuất bản tại Hoa Kỳ từ tháng 7 năm 1975, do Huy Quang Vũ Đức Vinh sáng lập. Thanh Nam làm Tổng Thư Ký rồi Chủ bút. Ông phụ trách nhiều mục văn học nghệ thuật, ký thêm nhiều bút hiệu nữa như Việt Trần, Viễn Khách, Tiểu Lưu Linh, Đồ Say…

Ông mất vào ngày 2 tháng 6 năm 1985 ở tuổi 54 sau gần bốn năm chống chọi với bệnh ung thư thanh quản.

Tác phẩm đã xuất bản:

  • Hồng Ngọc (1957)
  • Người nữ danh ca (1957)
  • Buồn ga nhỏ (1962)
  • Giấc ngủ cô đơn (1963)
  • Còn một đêm nay (1963)
  • Cho mượn cuộc đời (1965)
  • Bầy ngựa hoang (1965)
  • Giòng lệ thơ ngây (1965)
  • Những phố không đèn (1965)
  • Mấy mùa thương đau (1968)
  • Thuế sống (1983)
  • Xa như dĩ vãng (1983)
  • Gã kéo màn (1983)
  • Đất khách (1983)
  • Hồi kí 20 năm viết văn làm báo (đăng dang dở trên tờ Văn của Mai Thảo, 1984).

    • Bài hành đón tuổi bốn mươi


      […]

      Ngủ đi con hỡi, mai khôn lớn
      Đời sẽ bình yên không lửa gai
      Trong vắt hồn con nguyên khối ngọc
      Lượng xuân đời chẳng khép vòng tay
      Nhìn con giây phút lòng tan biến
      Những chuyện ân thù, những đắng cay
      Tiếng bạc đời cha gieo đã lỡ
      Chiều tà khôn gỡ nước cờ sai
      Trắng tay nhìn lại còn con đó
      Hy vọng đời cha mẹ kiếp này
      Tăm tối căm phần cha đã chịu
      Cánh hồng con hẳn sẽ xa bay!
      Ngủ đi con, ngủ đi yên giấc
      Cha ru con bằng hơi rượu say
      Cha ru con bằng lời thống khổ
      Trong nhục nhằn mê sảng đêm nay.

      […]

    • Mai mốt


      […]

      Mai mốt em ơi em có nhớ
      Cuộc đời còn nhắc đến tên tôi
      Và em bình thản cười vơ vẩn
      Người ấy, chờ chi cưới vợ rồi

      Mai mốt, thôi em về xứ Bắc
      Nói gì em đã của phương xa
      Cầu cho đôi mắt em trong mãi
      Và vẫn xanh màu như thuở xưa

      Tôi vẫn chẳng buồn vì cách biệt
      Dù rằng còn gọi: cố nhân ơi
      Tôi không lưu luyến mùi son phấn
      Thôi nhé ! Em đi, hết, hết rồi!

    • Hí trường


      […]

      Nhịp đổi bâng khuâng, nhạc chậm dần
      Ý sầu nhắc nhở chuyện ly tan.
      Rưng rưng kỷ niệm chùng âm độ
      Bão nổi, mây chìm giọng cố nhân

      Đèn bỗng thay màu. Nhạc bỗng ngưng
      Hững hờ đêm tối bức màn buông.
      Em theo tiếng hát vào hư mộng
      Ngơ ngác mình tôi giữa hí trường.

    • Thơ xuân đất khách


      […]

      Chấp nhận hai đời trong một kiếp
      đành theo giông bão phũ phàng đưa
      đầu thai lần nữa trên trần thế
      kéo nốt trăm năm kiếp sống nhờ !

      Đổi ngược họ tên cha mẹ đặt
      tập làm con trẻ nói ngu ngơ
      vùi sâu dĩ vãng vào tro bụi
      thân phận không bằng đứa mãng phu!

      Canh bạc chưa chơi mà hết vốn
      cờ còn nước đánh phải đành thua
      Muốn rơi nước mắt khi tàn mộng
      Nghĩ đắt vô cùng giá Tự Do!

      […]

    • Trời chớm vào thu


      […]

      Ôi tóc xanh này phai với thu
      Ngàn năm còn khóc chuyện sông hồ
      Bài ca trường dạ ngâm chưa dứt
      Đã thấy dâng buồn ngát ý thơ

      Chiều xuống mưa xanh màu nhớ thương
      Hơi thu man mát gió lên đường,
      Cố nhân xa cách nghìn sông núi
      Cách biệt đôi bờ thoáng phấn hương

      Ta gọi em thầm em gái ơi
      Chiêm bao toàn những chuyện phương trời
      Hờn lên ly rượu miền gai lửa
      Chợt thấy em sầu lệ đẫm rơi

    • Khúc ngâm trên đất tạm dung


      […]

      Rót hết cho nhau những bẽ bàng
      những buồn cơm áo, nhục tha hương
      Bốn năm đã thấm trò dâu biển
      một cõi lưu đày rộn nhiễu nhương !

      Ác mộng không rời người biệt xứ
      quê nhà còn ngút lửa kinh hoàng!
      Đi đâu hoặc có về đâu nữa
      cũng gái phong trần, trai gió sương

      Thân ái nghìn trùng, ôi bạn hữu
      uống cùng ta nhé, rượu bi thương
      Ngục tù bỗng hiện qua màn lệ
      Đêm tối nào như thuở hỗn mang!

      Dằn chén, lòng đau, thương tích rợn
      gào lên da thịt xích xiềng vang
      Bàn tay bất lực che ngang mặt
      Người ơi! Người ơi! Sao đoạn trường!

      […]

    • Đêm cuối năm uống rượu một mình


      […]

      Rót đau thân thế mơ hồ
      Nửa khôn ngoan thức, nửa rồ dại mê
      Ngó đời lăn lóc vòng xe
      Rã rời xích chuyển ê chề bánh quay
      Ngó lui hun hút đêm dài
      Những xuân đã lánh những đời đã xa
      Rót thêm ly nữa mời ta
      Cái say như muốn chuyển qua cái sầu…

      Bốn mươi lăm tuổi rồi sao?
      Ngó gương xưa thấy tóc nâu rối bù
      Trán hằn dăm lũng ưu tư
      Cuộc chơi trần thế chừng như mỏi mòn

      […]